Chờ...

Bầu cử Mỹ 2024: Obama "xung trận" tiếp lửa cho Kamala Harris

VOH - Cựu Tổng thống Barack Obama đang dốc sức vận động cho Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đồng thời bảo vệ những di sản chính trị mà ông đã gầy dựng.

Tối 25/10 tại bang Georgia, ông Obama và huyền thoại nhạc rock Bruce Springsteen cùng xuất hiện trên sân khấu, tạo khí thế sôi nổi cho các cử tri tại bang chiến địa quan trọng này.

Trong bài phát biểu trước đám đông, ông Obama không ngần ngại nhắc đến những cáo buộc mà cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly đưa ra về cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Kelly mô tả ông Trump là một người đầy tham vọng và từng bày tỏ mong muốn được phục vụ bởi những thân tín theo kiểu Adolf Hitler.

Trước thông tin này, ông Trump đã lên tiếng phủ nhận, nhưng ông Obama cảnh báo: “Chỉ vì ông ấy hành xử ngớ ngẩn không có nghĩa là nhiệm kỳ tiếp theo của ông ta sẽ vô hại. Đừng bao giờ nói mình muốn làm gì giống Hitler.”

Obama
 Ông Obama trong lần "xung trận" cùng bà Harris ở Georgia - Ảnh: New York Times.

Sự hiện diện của ông Obama đã tiếp thêm động lực cho bà Harris trong nỗ lực giành sự ủng hộ từ nhóm cử tri trẻ, khi mà khảo sát gần đây của Đại học Harvard cho thấy bà đang dẫn trước ông Trump 28 điểm trong nhóm cử tri từ 18 đến 29 tuổi.

Tuy nhiên, khoảng cách này đã giảm nhẹ so với cuộc khảo sát vào tháng 9. Đặc biệt, tại các bang chiến địa quan trọng, khoảng cách ủng hộ giữa hai người chỉ còn lại 9 điểm, khiến cuộc đua ngày càng trở nên gay gắt.

Dù rời chính trường từ năm 2016, ông Obama vẫn duy trì sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt khi nước Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế và xã hội. Từ Pittsburgh, Tucson cho đến Las Vegas, ông không ngừng xuất hiện với thông điệp: “Nước Mỹ đã sẵn sàng cho một câu chuyện hay hơn.”

Không ngạc nhiên khi cựu Tổng thống Trump thể hiện sự tức giận trước những lời chỉ trích của ông Obama. Trong một buổi phát biểu tại Las Vegas, ông Trump đáp trả: “Ông Obama đã già đi và kiệt sức.” Dù vậy, ông Obama – trẻ hơn ông Trump 15 tuổi – được biết đến là người luôn duy trì thói quen thể dục thường xuyên.

Sự tham gia của ông Obama còn truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của mỗi lá phiếu. Ông không ngừng nhấn mạnh với cử tri rằng: “Đừng la ó, hãy bỏ phiếu!” Ông Obama khẳng định, thay vì chờ đợi một tổng thống hay thượng nghị sĩ giải quyết mọi vấn đề, mỗi lá phiếu của người dân đều có vai trò trong tiến trình thay đổi đất nước. Ông nhắc nhở: “Chúng ta không thể xóa đói giảm nghèo chỉ sau một đêm. Sự thay đổi cần thời gian.”

Nhiều cử tri tham dự buổi mít tinh chia sẻ cảm xúc tích cực khi nghe ông Obama phát biểu. Kristen Roland, một giáo viên trung học đến từ Michigan, nói: “Nếu ông Obama tin tưởng bà Harris, tôi nghĩ những người khác cũng nên trao cho bà ấy niềm tin.” Niềm hy vọng mà ông Obama truyền tải đã khiến nhiều cử tri có thêm động lực, sẵn sàng xếp hàng chờ để nghe ông phát biểu.

Tuy nhiên, không ít người vẫn hoài nghi về sức ảnh hưởng của ông Obama trong cuộc bầu cử lần này. Nhà bình luận David Urban của CNN cho rằng sự xuất hiện của những tên tuổi lớn có thể không đủ sức để thay đổi kết quả. Ông nhắc lại rằng vào đêm bầu cử năm 2016, dù ông Obama cùng ông Springsteen và Jon Bon Jovi tổ chức một buổi hòa nhạc lớn ở Philadelphia, bà Hillary Clinton vẫn thất bại tại Pennsylvania.

Dù vậy, ông Obama vẫn là biểu tượng mạnh mẽ của đảng Dân chủ. Trong bối cảnh cuộc bầu cử ngày càng gay gắt, khả năng ông có thể kêu gọi thêm vài nghìn người đi bỏ phiếu vẫn có thể tạo ra khác biệt ở các bang chiến địa. Theo dự kiến, cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng sẽ tham gia cùng bà Harris tại Michigan vào ngày 26/10, tiếp tục kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu sớm.