Đây là cuộc trao đổi cấp cao mới nhất trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hai bên đã trao đổi thẳng thắn và thực chất về các vấn đề cùng quan tâm.
Về phía Mỹ, Bộ Thương mại nước này chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về cuộc điện đàm này.
Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ xử lý như thế nào về hiệp định thương mại Mỹ-Trung giai đoạn I được ký kết vào năm ngoái và sẽ giải quyết ra sao vấn đề thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Hồi tuần trước, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết hai nước đã bắt đầu có các cuộc trao đổi bình thường trở lại. Tuy nhiên, nhận định của phía Mỹ về vấn đề này không mấy khả quan.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai phát biểu trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Thương mại châu Á - Thái Bình Dương vào cuối tuần trước rằng, có một sự "mất cân bằng nghiêm trọng" trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung và chính quyền Biden đang nỗ lực để lấy lại sự cân bằng.
Bà Katherine Tai nói một số phương diện trong mối quan hệ Mỹ-Trung là "không lành mạnh" và theo thời gian, nó đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.
Ngày 2/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu hạc đã có buổi trao đổi trực tuyến với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Trước đó vào cuối tháng 5, ông Lưu Hạc cũng đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai.
Hãng tin Bloomberg cho biết ông Alvin Tan, người đứng đầu chiến lược tiền tệ châu Á tại ngân hàng Canada RBC Capital Markets, nói rằng ông không quá lạc quan về cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Thương mại hai nước Mỹ-Trung.
"Theo một nghĩa nào đó, cả hai nước đang tăng cường trao đổi về kinh tế và thương mại. Đây là yếu tố tích cực, nhưng cả hai bên đã không đưa ra bất kỳ quyết định hoặc thông báo nào về thay đổi luật chơi", ông Alvin Tan nói.
Hiện Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau về mọi mặt. Ngày 8/6 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới. Theo đó, Mỹ sẽ chi 250 tỷ USD trong 5 năm để thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ, bao gồm sản xuất bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo, nhằm gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.
Dự luật này sẽ được Hạ viện biểu quyết vào cuối tháng 6 hoặc tháng 7, sau đó được chuyển lên tổng thống để ký thành luật.
Tuy nhiên vào ngày 9/6, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh thu hồi lệnh cấm đối với TikTok và WeChat mà người tiền nhiệm Donald Trump đã ban hành trước đó, đồng thời yêu cầu Bộ Thương mại xem xét và cấm các ứng dụng có liên quan đến đối thủ nước ngoài và có thể gây ra rủi ro đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ.