Brazil sắp tổ chức hội nghị quốc tế nhằm bảo vệ rừng Amazon

VOH – Brazil sắp tổ chức hội nghị thượng đỉnh khu vực, nhằm tìm kiếm 1 lộ trình bảo vệ rừng Amazon – lá phổi xanh lớn nhất của trái đất.

Cuộc họp của nhóm hợp tác bảo vệ rừng Amazon với 8 quốc gia thành viên, được tổ chức vào ngày 8 và 9/8 tại thành phố Belem thuộc bang Amazon.

Hội nghị có thể xem là đợt tổng duyệt, để tổ chức diễn đàn khí hậu toàn cầu COP30 mà Brazil đăng cai năm 2025.

Rừng Amazon được xem như lá phổi của trái đất - Ảnh: BBC Science
Rừng Amazon được xem như lá phổi của trái đất - Ảnh: BBC Science

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm sau 9 năm, khi Tổng thống Lula tìm cách thực hiện cam kết, rằng Brazil đã trở lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Với hàng trăm tỷ cây xanh hấp thụ khí carbon, Amazon là vùng đệm quan trọng chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Nhưng các nhà khoa học cảnh báo, nạn phá rừng đang ở mức nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho nhân loại.

Để bảo vệ lá phổi này của trái đất, Tổng thống Lula, người nhậm chức từ đầu năm nay, muốn hợp tác nhiều hơn với các quốc gia trong khu vực, như Bolivia, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela.

Tại hội nghị, các lãnh đạo dự kiến thảo luận về chiến lược chống phá rừng, đồng thời tìm kiếm sự phát triển bền vững cho khu vực sinh sống của 50 triệu người, bao gồm hàng trăm nhóm cư dân bản địa. Họ được coi là nhân tố quan trọng để bảo vệ rừng.

Quan chức Bộ Ngoại giao Brazil Gisela Padovan thông tin, hội nghị sẽ kết thúc bằng một tuyên bố chung, được cho là đầy tham vọng, cũng như đặt ra 1 chương trình để hướng dẫn các nước thực thi tuyên bố chung đó.

Brazil, quốc gia sở hữu 60% diện tích rừng Amazon, đã cam kết xóa bỏ nạn phá rừng bất hợp pháp vào năm 2030, và đang thúc đẩy quốc gia khác làm theo.

Nạn phá rừng trung bình hàng năm của Brazil tăng 75% dưới thời Tổng thống Bolsonaro (2019-2022), nhưng trong 7 tháng đầu năm 2023, dưới thời ông Lula, đã giảm 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng thống Lula nói rằng, ông tin tưởng hội nghị sắp tới sẽ thành công, trong việc chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp, vốn rất nhức nhối và cũng không dễ đối phó.

Hội nghị này, Brazil cũng mời các quốc gia có nhiều rừng mưa nhiệt đới đến trao đổi kinh nghiệm, là Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Bình luận