Các đảng đối lập tại Thụy Điển yêu cầu trục xuất Đại sứ Trung Quốc vì hành vi đe dọa nhà báo

(VOH) - Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDP) và đảng Dân chủ Thụy Điển (SDP) đã yêu cầu chính phủ trục xuất Đại sứ Trung Quốc Quế Tòng Hữu vì Đại sứ quán nước này tại Stockholm nhiều lần đe dọa các nhà báo.

Nhà báo độc lập của Thụy Điển Jojje Olson mới đây lại bị Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Stockholm của nước này đe dọa vì đưa tin về việc Trung Quốc tẩy chay thương hiệu bán lẻ thời trang đa quốc gia của Thụy Điển H&M.

Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDP) và đảng Dân chủ Thụy Điển (SDP) đã yêu cầu chính phủ trục xuất Đại sứ Trung Quốc Quế Tòng Hữu vì Đại sứ quán nước này tại Stockholm nhiều lần đe dọa các nhà báo.

Các đảng đối lập tại Thụy Điển yêu cầu trục xuất Đại sứ Trung Quốc vì hành vi đe dọa nhà báo 1

Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tòng Hữu. (Ảnh: Reuters)

Tin cho hay, đây không phải là lần đầu tiên Đại sứ quán Trung Quốc tại Stockholm dùng việc đe dọa phóng viên tại Thụy Điển để gây ảnh hưởng đến tự do ngôn luận tại nước này.

Hai đảng đối lập có lập trường thiên hữu tại Thụy Điển là CDP và SDP từng đề nghị trục xuất Đại sứ Quế Tòng Hữu. Sau vụ nhà báo Jojje Olson bị đe dọa lần nữa, hai đảng này càng quyết tâm hơn và mong muốn đề xuất của mình có thể đưa vào thực hiện.

Người phát ngôn về ngoại giao của đảng SDP Markus Wiechel cho biết Đại sứ Trung Quốc tại Stockholm đã đe dọa các nhà báo và chính trị gia Thụy Điển từ nhiều năm qua. Ông cho rằng hành động này là không thể chấp nhận được và đảng SDP từng đề nghị đưa ông Quế Tòng Hữu vào danh sách "nhân vật không được hoan nghênh" tại Thụy Điển vào năm 2019.

Ông Markus Wiechel nói Đại sứ Quế Tòng Hữu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời khiến vị thế của người Trung Quốc tại Thụy Điển ngày càng sa sút.

Trong khi đó, người phát ngôn về ngoại giao của đảng CDP Lars Adaktusson nói rằng, mặc dù Đại sứ Trung Quốc từng bị triệu tập nhưng nó không làm thay đổi tác phong của Đại sứ quán Trung Quốc. Do đó, chính phủ Thụy Điển nên liệt ông Quế Tòng Hữu vào danh sách "nhân vật không được hoan nghênh" tại Thụy Điển.

Ngoài hai đảng trên đòi trục xuất ông Quế Tòng Hữu, các đảng đối lập khác tại Thụy Điển cũng bày tỏ sự không hài lòng với việc Đại sứ quán Trung Quốc cố tìm cách gây ảnh hưởng đến tự do ngôn luận tại nước này.

Đảng Cánh tả tại Thụy Điển cũng từng đề nghị trục xuất ông Quế Tòng Hữu. Chủ tịch đảng Ôn hòa, ông Ulf Kristersson, từng nhiều lần kêu gọi đảng cầm quyền tại Thụy Điển cần cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Ông nói, việc triệu tập Đại sứ Trung Quốc không mang lại kết quả, do đó cần có các biện pháp mạnh hơn, thậm chí nên liên kết với các nước châu Âu khác để cùng nhau trừng phạt Trung Quốc.

Kerstin Lundgren, đại diện của đảng Trung tâm, nói rằng Liên minh châu Âu (EU) luôn tỏ ra quá nhu nhược khi đối mặt với Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde cho biết họ đã nhiều lần triệu tập Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ rằng tự do ngôn luận tại Thụy Điển được Hiến pháp nước này bảo vệ, và các nhà báo được tự do đưa tin.

Bà Ann Linde nói, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cũng từng nhiều lần yêu cầu Đại sứ Trung Quốc nên tôn trọng luật pháp Thụy Điển và nói rằng hành vi đe dọa là không thể chấp nhận được.

Việc Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển đe dọa các nhà báo không phải là điều mới mẻ. Nhà báo độc lập Jojje Olson cho biết đây không phải là lần đầu tiên ông nhận được lời đe dọa từ Đại sứ quán Trung Quốc. Ông nói, lời lẽ đe dọa qua email lần này mạnh mẽ hơn so với trước đây.

Ngoài ra, người phụ trách chuyên trang chính trị của tờ "Nerikes Allehanda" là Lars Ströman cũng từng ít nhất 3 lần nhận được email từ Đại sứ quán Trung Quốc với những lời lẽ thù địch. Nguyên nhân là vì người này từng phỏng vấn đại diện của Đài Loan tại Thụy Điển Dao Kim Tường và xưng hô vị này là Đại sứ, đồng thời phê phán Trung Quốc và bày tỏ ủng hộ Đài Loan trong bài viết của mình.

Bình luận