Các hãng hàng không Belarus chính thức bị cấm hoạt động trong lãnh thổ EU

(VOH) - Các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/6 đã chính thức ban hành lệnh cấm các hãng hàng không Belarus bay qua không phận EU và đáp xuống các sân bay ở EU.

Quyết định của EU là một phần trong những biện pháp được bàn bạc nhằm đáp trả Belarus sau khi nước này buộc hạ cánh một máy bay dân sự của hãng hàng không Ryanair vào ngày 23/5 vừa qua, nhằm mục đích bắt giữ một nhà hoạt động đối lập.

Lệnh cấm các hãng hàng không Belarus sẽ chính thức có hiệu lực từ 0 giờ ngày 5/6 theo giờ chuẩn Trung Âu (Central European Time - CET), tức 5 giờ sáng ngày mai theo giờ Việt Nam.

Ngoài ra, dù không đưa ra lệnh cấm về mặt pháp lý nhưng ngày 2/4, Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu đã ban hành chỉ thị về an toàn với nội dung khuyến cáo các hãng hàng không trong khối tránh bay qua không phận Belarus, trừ trường hợp khẩn cấp.

Hãng hàng không quốc gia của Belarus là Belavia hiện đang khai thác các đường bay nối liền nước này với 20 sân bay trên khắp châu Âu gồm Helsinki (Phần Lan); Amsterdam (Hà Lan); Rome, Milan (Italy); Warsaw (Ba Lan); Frankfurt, Berlin, Munich (Đức); Paris (Pháp) và Vienna (Áo).   

Việc thực thi lệnh cấm mới nhất đối với hàng không Belarus sẽ thuộc thẩm quyền của chính phủ các quốc gia thành viên EU. Nhiều nước trong khối EU vốn cũng là thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có khả năng điều máy bay chiến đấu để bảo vệ vùng trời của mình trước các máy bay không được chào đón khác.

Các hãng hàng không Belarus chính thức bị cấm hoạt động trong lãnh thổ EU
Máy bay Boeing 737-800 của Belavia - hãng hàng không quốc gia Belarus khi vừa cất cánh tại sân bay Domodedovo ở ngoại ô Moscow, Nga ngày 28/5/2021. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp diễn ra tại Ba Lan, lãnh đạo đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya - người đã rời Belarus đến Litva sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vào tháng 8/2020 - cho rằng các nước thuộc nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) nên họp bàn cùng nhau và ban hành các biện pháp trừng phạt lên chính phủ Belarus đương thời.

“Áp lực sẽ gia tăng khi các quốc gia cùng nhau hành động và chúng tôi kêu gọi sự phối hợp từ Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu và Ukraine. Nếu có sự tham gia của họ, tiếng nói của chúng tôi sẽ được tăng thêm sức mạnh”, lãnh đạo đối lập Tsikhanouskaya nói.

Về phía Belarus, ngày 11/6 tới nước này dự kiến cũng sẽ có cuộc họp với đại diện lãnh đạo các nước Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ về sự kiện ngày 23/5.

Chính phủ các nước EU miêu tả sự kiện chính phủ Belarus buộc hạ cánh máy bay của hãng hàng không Ryanair (Ireland) là “một vụ cướp với quy mô cấp nhà nước” đồng thời cho biết đang thảo luận về các lĩnh vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế của Belarus để ban hành lệnh trừng phạt thực sự vào Tổng thống Alexander Lukashenko. Các lĩnh vực này có thể là hoạt động mua bán trái phiếu, dầu mỏ và bồ tạt - một loại khoáng sản chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao của Belarus.

Theo các quan chức ngoại giao, trước khi ban hành những lệnh trừng phạt kinh tế, EU được cho rằng sẽ thống nhất các lệnh trừng phạt quy mô nhỏ hơn nhắm vào một số cá nhân và tổ chức cụ thể như một động thái trừng phạt lập tức đối với sự kiện do Belarus gây ra.

Ngày 23/5, một chuyến bay theo lộ trình từ Hy Lạp đến Lithuania của hãng hàng không Ryan Air đã bị bộ phận kiểm soát không lưu Belarus yêu cầu đổi hướng và hạ cánh xuống thủ đô Minsk của Belarus với lý do có thiết bị nổ trên máy bay.

Sau khi máy bay hạ cánh, các lực lượng an ninh của Belarus đã ập vào bên trong máy bay và bắt giữ nhà báo đối lập Roman Protasevich - người đồng sáng lập kênh tin tức NEXTA và là một trong những nhân vật đối lập hàng đầu của chính phủ nước này.

Các hãng hàng không Belarus chính thức bị cấm hoạt động trong lãnh thổ EU
Máy bay của hãng hàng không Ryan Air sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống Belarus ngày 23/5 đã tiếp tục hành trình và đáp xuống sân bay Vilnius, Lithuania. Ảnh: Reuters

Ngay sau vụ việc, lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã chỉ trích mạnh mẽ hành động của Belarus. Ngoài ra, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) kêu gọi điều tra toàn diện về vụ việc này.

Theo ICAO, vụ việc đã vi phạm Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế (Công ước Chicago) - đã được các nước ký kết tại thành phố Chicago (Mỹ) năm 1944. Công ước có những quy định về không phận, đăng ký máy bay và bảo đảm an toàn cho các hãng hàng không bay qua nhiều khu vực mà không gặp trở ngại bởi các rào cản chính trị.