NATO hạn chế các nhà ngoại giao Belarus vào trụ sở sau vụ máy bay bị buộc hạ cánh

(VOH) - Belarus không phải là thành viên của NATO nhưng nước này đã thiết lập quan hệ hợp tác với tổ chức này vào năm 1992 và cử phái đoàn ngoại giao đến NATO vào năm 1998.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 31/5 cho biết NATO sẽ hạn chế các nhà ngoại giao Belarus vào trụ sở của tổ chức này nhằm phản ứng về vụ máy bay của hãng hàng không Ryanair (Ireland) bị giới chức Belarus buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở thủ đô Minsk của nước này.

Ông Stoltenberg cũng cho biết thêm rằng NATO sẽ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 14/6 tới để thảo luận về tình hình ở Belarus và Ukraine, đồng thời tiến hành hội đàm về con đường sắp tới của NATO tại Afghanistan.

Theo các phương tiện truyền thông Belarus, một máy bay đang bay của hãng hàng không Ryanair đã bị giới chức Belarus yêu cầu chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế ở Minsk vào ngày 23/5 với lý do bị đe dọa đánh bom.

NATO hạn chế các nhà ngoại giao Belarus vào trụ sở sau vụ máy bay bị buộc hạ cánh khẩn cấp 1
Máy bay của hãng Ryanair bị buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Minsk, Belarus để kiểm tra an ninh. (Ảnh: EPA).

Sau khi hạ cánh, máy bay đã được kiểm tra an ninh và không tìm thấy thiết bị nổ, sau đó nó lại cất cánh để tiếp tục hành trình bay đến Cộng hòa Litva. Ủy ban điều tra Belarus đã tiến hành khởi tố hình sự về vụ dọa đánh bom giả này.

Tuy nhiên, theo truyền thông phương Tây đưa tin, nhà chức trách Belarus nói rằng có thể có bom trên máy bay và họ đã điều máy bay chiến đấu đến "buộc" máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Minsk, sau đó bắt giữ nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich đi trên máy bay.

NATO đã phản ứng mạnh mẽ về vụ việc này.

Trong tuyên bố được đưa ra hôm 26/5, NATO đã lên án mạnh mẽ hành động của Belarus khi buộc chuyến bay đi qua không phận nước này phải hạ cánh khẩn cấp và bắt giữ hành khách trên chuyến bay.

Trước đó vào ngày 24/5, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus trong đó có các lệnh trừng phạt kinh tế, đồng thời kêu gọi các hãng hàng không của 27 nước thành viên tránh không phận Belarus và cho phép thực hiện lệnh cấm các máy bay của Belarus hoạt động trên không phận và tại các sân bay trong liên minh.

Bên cạnh đó, EU còn đề nghị Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tiến hành cuộc điều tra về vụ này và tuyên bố ủng hộ quyết định của Litva trục xuất tất cả các nhân viên ngoại giao của Belarus tại nước này.

NATO hạn chế các nhà ngoại giao Belarus vào trụ sở sau vụ máy bay bị buộc hạ cánh khẩn cấp 2
Nhà hoạt động Belarus Roman Protasevich. (Ảnh: Reuters)

Pratasevich năm nay 26 tuổi, là một nhà hoạt động, nhà báo và là một blogger, đồng sáng lập kênh Nexta Live trên mạng xã hội Telegram. Ông cũng là người tham gia chính vào việc tổ chức các cuộc biểu tình ở Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8 năm ngoái.

Được biết, Protasevich đã rời Belarus vào năm 2019 và sống lưu vong ở nước Cộng hòa Litva.