Việc xây dựng các cảng vệ tinh trên sông Mekong và Tonle Sap nhằm phát triển giao thông đường thủy và đường bộ, tiến tới giảm giá thành hàng hóa, tai nạn giao thông và hư hỏng đường bộ…
Được bết, đến nay đã có 7 dự án đang được xây dựng và trong giai đoạn nghiên cứu, trong đó 4 dự án đã được phê duyệt, đầu tiên là dự án cảng vệ tinh km số 6, thứ hai là dự án cảng vệ tinh trên sông khép kín tỉnh Tbong Khmum, thứ ba là Cảng Kaoh Roka giáp biên giới Việt Nam và cảng Prek Tamak. Ba dự án còn lại vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Nhân dịp khánh thành và đưa vào hoạt động cơ sở hạ tầng cảng Container LM17, ông Sun Chanthol, Bộ trưởng Bộ Công chính và Giao thông, đã đôn đốc Cảng tự quản Phnôm Pênh phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng vệ tinh, từ ngân sách quốc gia hoặc các đối tác phát triển và các công ty tư nhân.
Theo thống kê, sự gia tăng các tàu chở hàng container qua Cảng tự quản Phnôm Pênh trung bình từ 15% đến 18%/năm. Năm 2019, lượng container qua Cảng là 281,043 TEU và năm 2020 là 290,857 TEU.
Bất chấp cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, số lượng này đã tăng gần bằng tổng sức chứa container của giai đoạn 1 và 2 của cảng container LM17, dẫn đến nhu cầu mở rộng cơ sở hạ tầng bổ sung của cảng container LM17. Vì thế cuối năm 2019, Cảng tự quản Phnôm Pênh đã triển khai dự án mở rộng cơ sở hạ tầng cảng Container LM17 lần 3, giai đoạn 1.
Theo ông Sun Chanthol việc thành lập cảng vệ tinh, nhằm tăng hiệu quả vận tải đường thủy, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải hàng hóa và hư hỏng đường bộ...
Được biết, ngoài các dự án trên, Campuchia cũng đang mở rộng cảng nước sâu tại tỉnh Preah Sihanouk (phía Tây Nam Campuchia, giáp vịnh Thái Lan) dự kiến được khởi công vào năm nay, tuy nhiên dự án đã hoãn lại đến năm 2022 do việc thiết kế chưa hoàn thành.
Theo kế hoạch 2020-2030, dự án mở rộng cảng biển nước sâu Preah Sihanouk có 5 giai đoạn. Sau khi giai đoạn 1 (độ sâu 14,5m) hoàn thành vào năm 2025, cảng này sẽ cho phép các tàu cỡ lớn có tải trọng lên đến 60.000 tấn cập cảng, có thể phục vụ khoảng 93% lượng tàu cỡ lớn qua lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Vận chuyển hàng hóa có thể trực tiếp qua cảng của Campuchia mà không phải dừng ở Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc).
Hiện nay, Chính phủ Campuchia và các đối tác phát triển cũng đang nghiên cứu giai đoạn thứ hai và thứ ba dự án này với độ sâu 16 - 17,5m.
Cảng Preah Sihanouk là cảng nước sâu lớn duy nhất của Campuchia, được xây dựng từ năm 1955, rất thuận lợi cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên lưu thông. Cảng Preah Sihanouk nằm trong vịnh Kompong Som.
Năng lực của cảng Preah Sihanouk ước tính khoảng 950.000 tấn mỗi năm. Cảng có thể tiếp nhận tàu 10.000 - 15.000 tấn trọng tải, và được nối với đường quốc lộ số 4 (226 km đến Phnôm Pênh) và các tuyến đường sắt.