Campuchia khởi động Chiến dịch “Nói không với bẫy thú rừng trong các Khu bảo tồn”

(VOH) - Campuchia đã mở chiến dịch “Nói không với bẫy thú rừng trong các Khu bảo tồn” nhằm chấm dứt các vụ đặt bẫy và giết hại động vật hoang dã đang diễn ra.

Nhân ngày Thế giới bảo vệ động vật hoang dã 3/3, Campuchia đã mở chiến dịch “Nói không với bẫy thú rừng trong các Khu bảo tồn”, nhằm chấm dứt các vụ đặt bẫy và giết hại động vật hoang dã.

Campuchia khởi động Chiến dịch “Nói không với bẫy thú rừng trong các Khu bảo tồn” 1

Năm nay, Thế giới kỷ niệm Ngày Động vật hoang dã với chủ đề: “Tái sinh các loài động vật quan trọng để phục hồi hệ sinh thái”, nhằm thu hút sự chú ý toàn cầu về tình trạng bảo tồn của một số loài động vật đang trên bờ tuyệt chủng toàn cầu và đa dạng sinh học nhằm tiến tới việc thảo luận, tìm ra giải pháp và thực hiện các biện pháp cần thiết, cấp bách để bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã một cách bền vững.

Được biết, chiến dịch “Nói không với bẫy thú rừng trong các Khu bảo tồn” do Bộ Môi trường Campuchia khởi xướng với sự hợp tác của các tổ chức trong nước và quốc tế, các đối tác trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của Bộ này.

Chiến dịch chính thức khởi động vào ngày 3/3/2022, được thực hiện 6 tháng tại các tỉnh phía đông sông Mekong gồm: tỉnh Kratie, Stung Treng, Ratanakkiri, Mondulkiri, Preah Vihear và Kampong Thom.

Chiến dịch này sẽ không dừng lại ở 6 tỉnh trên. Giai đoạn 2 sẽ được thực hiện tập trung tại các tỉnh có các khu bảo tồn như dãy núi Kravanh gồm các tỉnh Kampong Speu, Koh Kong, Pursat,  Battambang, Pailin và Kampong Chhnang.

“Tại sao tất cả chúng ta cần phải tham gia chiến dịch Nói không với bẫy thú rừng này?” - Bộ Môi trường Campuchia đặt câu hỏi cho người dân và cho hay, việc thực hiện gồm các mục tiêu chính như: tuyên truyền giáo dục về sự nguy hiểm của bẫy thú rừng đối với đời sống động vật và con người, củng cố pháp luật, thay đổi thái độ của người dân trong việc tăng cường thân thiện với môi trường, yêu quý động vật hoang dã và xóa bỏ nạn săn bắt, đặt bẫy trái phép, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn việc buôn bán thịt động vật hoang dã, cũng như gia tăng sự an toàn của tất cả các loại động vật hoang dã và tăng cường các nguồn lực để bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên.

Những tổ chức nước ngoài phối hợp hợp tác gồm có Quỹ Bảo tồn Tài nguyên Thiên nhiên Toàn cầu (WWF), Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Campuchia (WCS) và Birdlife International, Conservation International (CI), Fauna and Flora International (FFI), Wild Earths Allies, USAID Green Prey Lang.