Chờ...

Chất thải từ Adidas và nhiều thương hiệu lớn thành nhiên liệu cho các lò gạch ở Campuchia

VOH - Chất thải từ ít nhất 19 thương hiệu quốc tế bao gồm Adidas và Walmart đang được sử dụng làm nhiên liệu cho các lò nung trong các nhà máy gạch ở Campuchia.

Liên đoàn Thúc đẩy và Bảo vệ Nhân quyền Campuchia (LICADHO) - công bố Báo cáo hôm 20/11 dựa trên các chuyến khảo sát tới 21 nhà máy gạch ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal lân cận từ tháng 4 đến tháng 9, cũng như các cuộc phỏng vấn với những người lao động.

Họ phát hiện ra rằng, rác thải may mặc bao gồm vải, nhựa, cao su và các vật liệu khác từ các thương hiệu này đang bị đốt tại 7 nhà máy. Các nhà máy đang đốt rác thải may mặc để tiết kiệm chi phí nhiên liệu.

nhà máy gạch
Chất thải từ các thương hiệu quần áo quốc tế được sử dụng làm nhiên liệu cho lò nung tại một nhà máy gạch ở ngoại ô Phnom Penh, Campuchia ngày 17/11/2023 - Ảnh Liên đoàn Thúc đẩy và Bảo vệ Nhân quyền Campuchia/Reuters

Báo cáo cho biết: “Một số công nhân cho biết, việc đốt rác thải may mặc khiến họ đau đầu và gặp các vấn đề về hô hấp. Một công nhân khác cho biết điều đó khiến cô cảm thấy đặc biệt không khỏe khi mang thai”.

Các thương hiệu có tên trong báo cáo của LICADHO là: Adidas, C&A, LPP's Cropp và Sinsay, Disney, Gap, Old Navy, Athleta, Karbon, Kiabi, Lululemon Athletica, Lidl Stiftung & Co's Lupilu, Walmart's No Boundaries, Primark, Reebok, Sweaty Betty, Tilley Endurables, Under Armour và Venus Fashion.

Adidas cho biết họ đã bắt đầu một cuộc điều tra để xem liệu rác thải có được chuyển từ các tuyến xử lý được cấp phép sang lò gạch hay không.

Công ty cho biết, chính sách môi trường của Adidas ở Campuchia quy định rằng, tất cả rác thải từ các nhà cung cấp hàng may mặc phải được xử lý tại nhà máy chuyển rác thải thành năng lượng được quản lý đầy đủ và có cơ quan kiểm soát chất lượng không khí hoặc đến các trung tâm tái chế được chính phủ cấp phép.

adidas
Chất thải từ Adidas và một thương hiệu khác được chụp tại một lò gạch - Ảnh Liên đoàn Thúc đẩy và Bảo vệ Nhân quyền Campuchia/Reuters

Lidl cho biết họ rất coi trọng các điều kiện mà LICADHO báo cáo và đã bắt đầu điều tra nhưng không thể cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào.

LPP cho biết, họ không hề biết rác thải dệt may của mình đang được đốt trong lò gạch và đã liên hệ với các đại lý chịu trách nhiệm đặt hàng tại Campuchia. LPP lên kế hoạch tổ chức ngày nâng cao nhận thức vào đầu năm 2024 cho các đại lý và nhà máy của mình ở Campuchia với trọng tâm đặc biệt là quản lý chất thải…

Theo một nghiên cứu nội bộ năm 2020 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đo lượng khí thải từ lò đốt nhà máy may mặc ở Campuchia, việc đốt rác thải may mặc có thể giải phóng các chất độc hại cho con người nếu điều kiện đốt không được quản lý cẩn thận và tro cũng có thể chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao.

Báo cáo cho biết, những chất độc hại này bao gồm dioxin, có thể gây ung thư. 

Một báo cáo riêng từ năm 2018 của các nhà nghiên cứu của Anh tại Royal Holloway, Đại học London cho biết, phế liệu quần áo thường chứa các hóa chất độc hại bao gồm thuốc tẩy clo, formaldehyde và amoniac, cũng như kim loại nặng, PVC và nhựa được sử dụng trong quá trình nhuộm và in.

Báo cáo của Anh cho biết, các công nhân nhà máy gạch thường xuyên bị đau nửa đầu, chảy máu cam và các bệnh khác.