Châu Âu: Ca nhiễm Covid-19 mức kỷ lục, WHO kêu gọi các nước siết chặt quy định về đeo khẩu trang

(VOH) - Với tốc độ như hiện nay, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) dự báo rằng hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 6-8 tuần tới.

Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/1 đưa ra cảnh báo rằng hơn một nửa dân số châu Âu có thể sẽ nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong vòng từ 6 - 8 tuần nếu tốc độ lây lan tiếp tục duy trì như hiện nay. Quan chức này kêu gọi các nước siết chặt các quy định về đeo khẩu trang.

WHO cảnh báo hơn một nửa dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 6 - 8 tuần tới
WHO cảnh báo hơn một nửa dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 6 - 8 tuần tới.

Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều áp lực hơn trong mùa đông năm nay với số ca nhiễm Covid-19 lập mức kỷ lục. Một số nước đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, một số nước khác như Áo, Hy Lạp và Italia cũng đã công bố lệnh tiêm vắc-xin mới.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến hôm 11/1, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge, nói các nước châu Âu và Trung Á vẫn đối mặt với những áp lực lớn do Covid-19 trong năm 2022.

Ông Kluge cảnh báo biến thể Omicron đang gây ra làn sóng dịch bệnh mới càn quét toàn khu vực. Hiện phần lớn các quốc gia châu Âu đều ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron.

"Với tốc độ như hiện nay, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) dự báo rằng hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 6-8 tuần tới", ông Kulge nhận định.

Ông kêu gọi các nước chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên bắt buộc người dân đeo khẩu trang chất lượng cao trong môi trường khép kín và đảm bảo những người dễ bị tổn thương có thể có được khẩu trang vì biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.

Tờ Washington Post ngày 10/1 đưa tin, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đang xem xét để giới thiệu khẩu trang N95 hoặc KN95 đến những người có điều kiện.

Một quan chức cấp cao khác của WHO nói rằng Covid-19 chưa thể được coi là căn bệnh đặc hữu.

Tại cuộc họp báo hôm 11/1, Tiến sĩ Catherine Smallwood, quan chức cấp cao phụ trách các tình huống dịch bệnh khẩn cấp của WHO, nói rằng hiện virus vẫn đang lây lan rất nhanh, gây ra những thách thức mới. Do đó, đây chắc chắn chưa phải lúc để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Bệnh đặc hữu có nghĩa là virus sẽ tiếp tục lưu hành nhưng mức độ phổ biến và tác động của nó sẽ giảm xuống mức có thể kiểm soát được. Khi đó Covid-19 giống như bệnh cúm hơn là đại dịch.