Thông tấn xã TASS của Nga cũng đưa tin các nhà điều tra của Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã chính thức buộc tội Gershkovich hoạt động gián điệp vì lợi ích của Mỹ. Phía Evan Gershkovich đã bác bỏ cáo buộc trên và khẳng định "chỉ đang thực hiện nghiệp vụ báo chí tại Nga" - TASS cho biết.
Ngày 30/3, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết đã bắt giữ công dân Mỹ Evan Gershkovich, 32 tuổi, tại Yekaterinburg “khi đang tìm cách thu thập các thông tin mật."
FSB cáo buộc ông Gershkovich đã "hành động theo mệnh lệnh của Mỹ để thu thập thông tin được coi là bí mật quốc gia về hoạt động của một trong những doanh nghiệp trong khu phức hợp công nghiệp quân sự Nga."
Tòa án quận Lefortovsky ở thủ đô Moscow của Nga đã ra lệnh tạm giam 2 tháng đối với nhà báo này để chờ xét xử.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng các hoạt động của nhà báo Gershkovich "không liên quan đến báo chí".
Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Nga thả Evan Gershkovich. "Hãy để anh ấy đi đi", ông Biden nói với báo giới tại Nhà Trắng khi được hỏi về thông điệp của ông gửi tới Moscow liên quan tới vụ bắt giữ này. .
Tờ Wall Street Journal cũng bác bỏ cáo buộc ông Gershkovich làm gián điệp và yêu cầu Nga ngay lập tức trả tự do cho ông.
Vụ bắt giữ Evan Gershkovich là vụ bắt giữ công khai nghiêm trọng nhất của Nga nhằm vào một nhà báo nước ngoài kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine; và là vụ bắt giữ công dân Mỹ gây chú ý thứ hai sau vụ của ngôi sao bóng rổ Brittney Griner - người vừa được trả tự do vào tháng 12 năm ngoái sau khi ngồi tù 10 tháng vì tội danh liên quan đến ma túy.
Trước khi làm việc tại Wall Street Journal, Evan Gershkovich từng là phóng viên của nhiều hãng tin lớn trên thế giới như AFP và The Moscow Times, sau đó là trợ lý tin tức của The New York Times. Nhà báo này đã sống ở thủ đô Moscow của Nga được 6 năm. Evan Gershkovich lớn lên ở Mỹ nhưng cha mẹ ông là người Nga.