"Hãy để anh ấy đi đi", ông Biden nói với báo giới tại Nhà Trắng khi được hỏi về thông điệp của ông gửi tới Moscow liên quan tới vụ bắt giữ nhà báo Evan Gershkovich.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng phản đối việc Nga bắt giữ nhà báo Gershkovich và cho rằng cáo buộc nhà báo này hoạt động gián điệp là vô căn cứ. Tờ Wall Street Journal phủ nhận các cáo buộc nhằm vào nhà báo Gershkovich.
Trước đó, ngày 30/3, tòa án quận Lefortovsky ở thủ đô Moscow của Nga đã ra lệnh tạm giam 2 tháng đối với nhà báo Gershkovich vì nghi ngờ làm gián điệp. Thông báo của tòa nêu rõ ông Gershkovich bị tạm giam “trong thời gian 1 tháng 29 ngày, đến ngày 29/5/2023” để chờ xét xử. Việc giam giữ có thể được gia hạn sau ngày trên.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết ông Gershkovich, 32 tuổi, đã bị tạm giữ tại Yekaterinburg “khi đang tìm cách thu thập các thông tin mật."
FSB cáo buộc nhà báo Evan Gershkovich đã "hành động theo mệnh lệnh của Mỹ để thu thập thông tin được coi là bí mật quốc gia về hoạt động của một trong những doanh nghiệp trong khu phức hợp công nghiệp quân sự Nga."
Điện Kremlin cảnh báo Washington không nên thực hiện các biện pháp trả đũa nhắm vào truyền thông Nga sau vụ bắt giữ ông Gershkovich.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng các hoạt động của nhà báo Gershkovich "không liên quan đến báo chí".
Trước khi làm việc tại Wall Street Journal, Evan Gershkovich từng là phóng viên của nhiều hãng tin lớn trên thế giới như AFP và tờ The Moscow Times, sau đó là trợ lý tin tức của The New York Times. Nhà báo này đã sống ở thủ đô Moscow của Nga được 6 năm. Được biết cha mẹ của Evan Gershkovich là người Nga.