COP28: Thỏa thuận lịch sử về sử dụng nhiên liệu hóa thạch được thông qua

VOH - Lần đầu tiên nội dung về cắt giảm nhiên liệu hóa thạch xuất hiện trong tuyên bố chung của hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc.

Ngày 13/12, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tổ chức tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã bế mạc. Điểm nhấn của hội nghị năm nay là gần 200 nước tham dự đã thông qua dự thảo thỏa thuận chung mang tính bước ngoặt, mở đường cho việc giảm mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu.

Nội dung dự thảo kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Dự thảo còn kêu gọi tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm lượng than và tăng tốc các công nghệ như thu hồi và lưu trữ carbon.

Một số quốc gia tuyên bố thỏa thuận này báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch. Song một số nước thận trọng hơn cho rằng, thỏa thuận này vẫn chưa đủ để phản ánh mức độ cấp bách ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng khí hậu.

COP28: Thỏa thuận lịch sử về sử dụng nhiên liệu hóa thạch được thông qua
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến của UAE kiêm Chủ tịch COP28, ông Sultan Ahmed Al Jaber (giữa) dự phiên họp toàn thể sau khi dự thảo thỏa thuận được công bố tại COP28 ở Dubai, ngày 13/12/2023 - Ảnh: Reuters

Thư ký điều hành COP28 Simon Stiell cho biết: “Những vỏ bọc lợi ích từ nhiên liệu khóa thạch đã tạo ra nhiều lỗ hổng về chính sách khiến con người tổn thương. Sự minh bạch là điều kiện quan trọng có thể khắc phục những lỗ hổng này. Nhiều sáng kiến ​​được công bố tại COP28 là huyết mạch hành động vì khí hậu. Điều tôi quan tâm là chứng kiến những cam kết này được chuyển đổi thành kết quả trong nền kinh tế thực".

Theo Reuters, việc COP28 đạt được thỏa thuận quan trọng này được cho là sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.

Đây cũng là lần đầu tiên sau ba thập kỷ hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP được tổ chức, các quốc gia nhất trí về việc phối hợp giảm sử dụng dầu, khí đốt và than đá, vốn chiếm 80% năng lượng toàn cầu. 

Bình luận