Trên Twitter, Ngoại trưởng Cuba nhấn mạnh lệnh cấm vận của Mỹ đã áp dụng được 63 năm và đã gây áp lực rất lớn, bóp nghẹt sự phát triển kinh tế của nước này, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế bao năm qua.
Cùng ngày 6/4, các doanh nhân Mỹ tham dự Hội nghị Nông nghiệp Cuba - Mỹ lần thứ IV tại La Habana đã lên tiếng chỉ trích việc Washington đưa quốc gia Caribe này vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Tháng 11/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 đã thông qua Nghị quyết lên án lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba. Đây là Nghị quyết lên án lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba năm thứ 30 liên tiếp.
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ Cuba, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ đối với nước này.
Tương lai khó đoán của dự luật đề xuất dỡ bỏ cấm vận Cuba của nhóm thượng nghị sĩ Mỹ
Lệnh cấm vận kinh tế Cuba được Mỹ đưa ra từ năm 1960 và hầu như không thay đổi kể từ đó. Tùy vào từng thời điểm và chính quyền, có những lúc Mỹ đã thể hiện một số cử chỉ thiện chí tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy lệnh cấm vận sẽ được dỡ bỏ.
Chính quyền Tổng thống Biden từng cung cấp 2 triệu USD cho Cuba nhằm khắc phục và hỗ trợ các nạn nhân của bão Ian. Phía Mỹ cũng tặng thiết bị chữa cháy cho Cuba sau khi sét đánh trúng một kho chứa nhiên liệu quan trọng của nước này gây hỏa hoạn nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Rodriguez, thiện chí của Mỹ chỉ như “muối bỏ biển” so với những thiệt hại mà nước này gây ra cho Cuba. “Mức độ thiệt hại do các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba là rất nghiêm trọng, lệnh cấm vận như một đại dịch thường trực, nó là cơn cuồng phong không bao giờ dứt”, ông Rodriguez nói.