Đại sứ Ecuador kêu gọi Mỹ đừng để 'sân sau' bị mất vào tay Trung Quốc

(VOH) - Đại sứ Ecuador tại Mỹ Ivonne Baki kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden nên hành động, đừng để "sân sau" của mình rơi vào tay Trung Quốc.

Giữa lúc Mỹ đang dồn sự tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm kìm hãm Trung Quốc tại khu vực này, thì Bắc Kinh đã thâm nhập sâu rộng vào các nước khu vực Mỹ Latinh nhằm thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nền kinh tế tại khu vực này.

Đại sứ Ecuador tại Mỹ Ivonne Baki đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden nên hành động, đừng để "sân sau" của mình rơi vào tay Trung Quốc.

Kêu gọi Mỹ nên đừng để
Ảnh minh hoạ. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của trang mạng Axios tại văn phòng của mình, Đại sứ Baki cho biết nếu khu vực Mỹ La-tinh không được chính quyền Mỹ quan tâm nhiều hơn, đây sẽ là cơ hội tốt để Trung Quốc có thể tận dụng.

Bà Baki khẳng định: "Trung Quốc đang chờ cơ hội để nói rằng, 'chúng tôi đang ở đây và chúng tôi mang tiền đến cho bạn'. Tất nhiên họ muốn có được quyền kiểm soát nhưng họ đã không nói ra điều đó".

Bà nói rằng Ecuador đang đối mặt với sự phân cực và nền kinh tế của đất nước đang bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Nhiệm vụ kinh tế hàng đầu của tân Tổng thống Ecuador theo đường lối trung hữu Guillermo Lasso là đảm bảo đạt được thỏa thuận thương mại với tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới, trước hết là Mỹ.

Tuy nhiên, "họ (Mỹ) không thấy được sự cấp bách của việc nếu họ không hành động ngay lập tức, có thể sẽ có vấn đề xảy ra", Đại sứ Baki nói. 

Bà cũng cho biết Trung Quốc đang nhân cơ hội này tăng tốc hành động để có thể đạt được thỏa thuận tự do thương mại với Ecuador vào trước tháng 3/2022.

"Chúng tôi không muốn đến đó, (Tổng thống Lasso) cũng không muốn đi", bà Baki nói khi đề cập đến việc chính phủ Ecuador chuyển hướng sang phía Trung Quốc, và cho biết tân tổng thống có thể "sẽ phải làm điều này". 

Đại sứ Baki nói: "Ông Tập Cận Bình (Chủ tịch Trung Quốc) đang gọi điện cho tổng thống và muốn nói chuyện với ông ấy. Ông Vladimir Putin (Tổng thống Nga) cũng muốn nói chuyện với ông ấy". Họ còn đưa ra những đề nghị cụ thể trong cuộc điện đàm.

Bà Baki cho biết, trong khi Ecuador cảm ơn Tổng thống Biden vì đã tặng 2 triệu liều vắc-xin Covid-19 vào tháng 7 thì Trung Quốc đã cung cấp cho nước này 13 triệu liều vắc-xin. 

Trung Quốc thâm nhập sâu rộng vào các nước Mỹ Latinh thông qua con đường thương mại

Trang mạng Axios cho biết Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của 9/12 quốc gia Nam Mỹ vào thời điểm 20 năm trước.

Nhưng giờ đây tình hình đã thay đổi khi Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của 9 quốc gia khu vực này, ngoại trừ 3 nước Colombia, Ecuador và Paraguay. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể sẽ sớm trở thành đối tác thương mại lớn nhất của 3 nước này.

Trong bài phát biểu vào giờ vàng trên sóng truyền hình hồi đầu tháng, Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou thông báo rằng nước ông sẽ tìm hiểu về các cuộc đàm phán tự do thương mại với Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo trung hữu này trước đây từng đề nghị đàm phán thương mại với Mỹ nhưng ít khi nhận được phản hồi.

"Đối với các nước trong khu vực, Mỹ không phải, không còn là đồng minh quan trọng", bà Margaret Myers, Giám đốc chương trình châu Á và Mỹ Latinh thuộc tổ chức Đối thoại liên Mỹ (IAD) nói, "Chỉ là Trung Quốc đang rất tích cực ở những nơi không có sự hiện diện của Mỹ".

Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu thô và xây dựng cơ sở hạ tầng. Mỹ thường chỉ phản ứng với các hành động của Trung Quốc chứ không thúc đẩy các chương trình nghị sự.

Cũng có trường hợp ngoại lệ.

Trang mạng Axios cho biết, trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai bên đã đạt được một thỏa thuận.

Theo đó, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ đồng ý đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ và cơ sở hạ tầng của Ecuador. Các khoản đầu tư này được Ecuador dùng để trả nợ cho Trung Quốc, và nước này sẽ cấm tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng hệ thống mạng 5G của họ.

Đại sứ Baki cho rằng một tín hiệu từ Washington có thể đóng một vai trò rất lớn và quan điểm này của bà rất được nhiều người đồng tình.

Sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã đến tận châu Mỹ

Bà Myers nói: "Đây là cách nói mà chúng tôi đã được nghe ở trong khu vực, và tôi cho rằng điều đó không phải là không có lý".

Hiện chính quyền Biden đang dồn sự tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để kìm hãm sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực này. Nhưng ông Daniel Runde, một chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, dù Mỹ có nhận ra hay không thì "sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã đến tận châu Mỹ".

Khu vực Mỹ Latinh xưa nay được biết đến như là "sân sau" của Mỹ. Theo Axios đưa tin, Mỹ cần các đồng minh trong khu vực hợp tác với họ trong việc giải quyết vấn đề như nhập cư, hoặc khi xảy ra khủng hoảng tại Venezuela và Haiti.

Nicolás Santo, tác giả của quyển "Sổ tay Trung Quốc" ghi chép về tình hình kinh doanh và chính trị Trung Quốc - Mỹ Latinh, nói rằng việc Trung Quốc nắm quyền thống trị thương mại tại khu vực Mỹ Latinh sẽ giúp nước này kìm hãm nước Mỹ và lôi kéo được các đồng minh của Đài Loan, gây ảnh hưởng đến cách thức vận hành chính trị và kinh doanh.

Thậm chí Trung Quốc có thể sẽ thiết lập sự hiện diện quân sự tại khu vực này trong tương lai.

"Tôi cảm thấy bị sốc bởi mức độ quan tâm cực thấp của Mỹ về vấn đề này trong 10 năm qua, thậm chí cả hiện tại", Nicolás Santo nói. 

Ông cho biết cách thức của Trung Quốc là "thông qua các hiệp định thương mại", nhưng các lợi ích của Trung Quốc tại Mỹ Latinh chắc chắn vượt xa phạm vi khu vực này.

Đại sứ Baki hy vọng Tổng thống Biden có những hướng đi tích cực hơn. Các quan chức Mỹ đã phát đi tín hiệu tích cực.

"Ông ấy tin tưởng vào khu vực này", bà Baki nói, "Vì thế, tôi cho rằng ông ấy sẽ xem đó là việc làm ưu tiên".

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói với Axios rằng: "Những gì xảy ra tại các nước láng giềng sẽ ảnh hưởng đến Mỹ và ngược lại. Đó là lý do vì sao chúng tôi quan tâm tích cực đến sự an toàn, an ninh và thịnh vượng của khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe". 

Người này nói thêm rằng các quan chức cấp cao của Mỹ sẽ tới thăm các nước Mỹ Latinh trong một ngày gần đây để gặp gỡ các bên có liên quan về mặt lợi ích "để hiểu rõ hơn về nhu cầu của họ và giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho những người có nhu cầu".

Bình luận