Chờ...

Đầu năm nhiều tín hiệu tích cực, IMF nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu

(VOH) - Ngày 31/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tăng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 vì những thay đổi tích cực trong nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu cũng như việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Trước đó vào tháng 10/2022, IMF từng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 sẽ đạt 2,7% - giảm so với mức 3,4% của năm 2022. Tuy nhiên, trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF, tổ chức này đã điều chỉnh con số này ở 2,9% - cho thấy sự cải thiện và có tăng trưởng nhẹ so với dự báo trước đó. Mặc dù vậy, IMF vẫn giữ nguyên cảnh báo cho rằng một sự suy thoái kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Năm 2024, IMF nhận định tăng trưởng kinh tế toàn thế giới sẽ tăng nhẹ lên 3,1%; nhưng đây vẫn thấp hơn 1/10 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10/2022. Điều này được lý giải do các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất khiến nhu cầu bị chững lại.

Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF - ông Pierre-Olivier Gourinchas đánh giá rủi ro suy thoái đã giảm bớt và cách kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang dần trở nên có hiệu quả. Tuy nhiên, cần nỗ lực nhiều hơn nữa để kiềm chế giá cả và những gián đoạn mới tác động đến nền kinh tế có nguy cơ xảy ra do xung đột Nga - Ukraine và chính sách chống Covid-19 của Trung Quốc.

Nhu cầu gia tăng mạnh mẽ

Trong bản dự báo GDP năm 2023, IMF nhận định GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng 1,4% - nối tiếp đà tăng 2% so với năm 2022 và tăng so với số dự báo cũ 1% đưa ra vào tháng 10/2022.

IMF cho rằng nhu cầu tiêu dùng đang cao hơn mong đợi và làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào quý III của năm 2022, cũng như thị trường lao động lành mạnh là những lý do cho sự điều chỉnh có phần tăng lên này.

Theo IMF, tại châu Âu cũng ghi nhận những biểu hiện tương đồng với Mỹ như trên. Trong đó dự báo tăng trưởng cho năm 2023 sẽ ở mức 0,7% - tăng so với mức 0,5% ở dự báo cũ. IMF cho biết việc châu Âu thích nghi nhanh ngoài dự đoán với tình hình chi phí năng lượng tăng vọt, đồng thời giá nhiên liệu đang có xu hướng giảm dần là những “cứu cánh” cho châu lục này.

Tại châu Âu, Anh là nền kinh tế lớn duy nhất mà IMF đánh giá sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay - với mức GDP giảm 0,6%, lạm phát vẫn leo thang và người dân vẫn đang phải “vật lộn” với chi phí sinh hoạt tăng vọt.

Đầu năm nhiều tín hiệu tích cực, IMF nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2023
Quý III/2022, kinh tế Mỹ tăng trưởng dương trở lại sau 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm. Ảnh minh họa: AP

Điểm sáng ở châu Á

IMF đã điều chỉnh mức dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 tăng mạnh ở mức 5,2% so với mức dự báo cũ 4,4%, sau khi quốc gia tỷ dân này chính thức chấm dứt chính sách “zero-Covid” được cho là nguyên nhân gây kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Năm 2022, Trung Quốc tăng trưởng 3% song đây là mức tăng dưới mức trung bình lần đầu tiên tại nước này trong vòng 40 năm qua.

Mặc dù đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay, nhưng IMF cho rằng điều này không kéo dài lâu. Năm 2024, IMF dự đoán tăng trưởng Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 4,5% trước khi ổn định ở mức dưới 4% trong trung hạn, vì các hoạt động kinh doanh suy giảm và tiến trình cải cách diễn ra chậm.

Đầu năm nhiều tín hiệu tích cực, IMF nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2023
Các nhân viên sân bay Bắc Kinh đang chờ đón khách ngày 8/1/2023 - mốc thời gian đánh dấu nước này chính thức mở cửa biên giới trở lại sau 3 năm. Ảnh: Global Times

Một điểm sáng khác là Ấn Độ. IMF nhận định quốc gia này duy trì tốc độ hồi phục và phát triển kinh tế mạnh mẽ, với mức dự báo tăng trưởng 6,3% trong năm 2023 và 6,8% trong năm 2024.

Chuyên gia Pierre-Olivier Gourinchas khẳng định Trung Quốc và Ấn Độ chính là hai cường quốc châu Á “gánh team”, đạt hơn 50% tổng tăng trưởng toàn cầu năm 2023.

Đầu năm nhiều tín hiệu tích cực, IMF nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2023
IMF đánh giá cao tốc độ phát triển kinh tế của Ấn Độ trong năm 2023 và 2024. Ảnh minh họa: Economic Times

Ông Gourinchas thừa nhận việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể gây ra một số áp lực nhất định lên giá cả hàng hóa, nhưng xét về mặt cân bằng, điều này được xem là ích lợi đối với kinh tế toàn cầu khi sẽ giúp giải tỏa các nút thắt trong chuỗi cung ứng - tác nhân làm trầm trọng hóa lạm phát và giúp nâng cao nhu cầu tiêu dùng.

Về giá dầu, IMF dự đoán giá sẽ giảm trong cả hai năm 2023 và 2024 do tăng trưởng toàn cầu theo dự báo vẫn thấp hơn so với năm 2022.