Đến lượt ECB tăng lãi suất để ứng phó lạm phát

(VOH) – Ngày 15/12, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp và dự báo sẽ tiếp tục tăng.

ECB tăng lãi suất cơ bản trong khu vực đồng euro được tăng 0,5 điểm phần trăm lên 2,5%. Tuy nhiên, mức tăng này đánh dấu sự giảm đáng kể so với 0,75 điểm phần trăm trong hai lần tăng trước. 

Sự giảm đà tăng lãi suất là do lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh và nguy cơ suy thoái đang xuất hiện.

Tuyên bố của ECB sau khi thông báo tăng lãi suất nêu rõ: "Hội đồng điều hành cho rằng lãi suất phải tăng với tốc độ bền vững đủ để đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn là 2%".

Bên cạnh quyết định tăng lãi suất, ECB cũng quyết định việc nắm giữ trái phiếu giảm dần từ tháng 3/2023. 

Đến lượt ECB tăng lãi suất để ứng phó lạm phát 1
Đến lượt ECB tăng lãi suất để ứng phó lạm phát.

Giống như các ngân hàng trung ương khác, ECB đã triển khai một loạt đợt tăng lãi suất, đủ để chế ngự lạm phát mà không làm giảm nhu cầu đến mức gây ra suy thoái kinh tế sâu sắc.

Trước ECB, Ngân hàng trung ương Anh (BOE) và của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã đồng loạt tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát.

Dự báo lạm phát có thể vẫn cao hơn mục tiêu 2% của ECB trong suốt năm 2025.

Sau quyết định của ECB, các chỉ số chứng khoán của châu Âu tiếp tục mất điểm, trong khi đồng euro tăng giá so với bảng Anh và đồng Yen Nhật.

ECB thay đổi chính sách lãi suất liên tục trong năm 2022 trước những cú sốc về giá cả tiêu dùng chưa từng có khi cuộc xung đột tại Ukraine khiến chi phí năng lượng và lương thực tăng vọt.

ECB lần đầu tiên tăng lãi suất cơ bản lên 0,5% vào ngày 27/7. Sau đó, lãi suất được điều chỉnh tăng lên 1,25% vào ngày 14/9 và lên 2% vào ngày 2/11. Mức tăng mới nhất được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở châu Âu vẫn ở mức cao, tới 10% trong tháng 11 vừa qua, trong khi ở Mỹ, tỷ lệ này đã giảm xuống 7,1%.