Diễn biến mới vụ Indonesia bắt giữ tàu bị cáo buộc lấy cắp dầu của Campuchia

(VOH) - Nhà chức trách Campuchia và Indonesia đang hoàn tất thủ tục để đưa tàu và dầu của công ty Kris Energy quay trở lại Campuchia sau khi bị hải quân Indonesia bắt giữ.

Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết với sự hợp tác của Chính phủ Indonesia, hai nước đang hoàn tất các thủ tục để đưa tàu và số dầu trên tàu trở lại Campuchia trong thời gian sớm nhất có thể.

Hải quân Indonesia ngày 25/8 đã bắt giữ tàu chở dầu cùng thủy thủ đoàn với cáo buộc đã lấy cắp gần 300.000 thùng dầu thô từ nguồn dự trữ dầu của Campuchia. Hải quân Indonesia cho biết tàu chở dầu MT Strovolos treo cờ Bahamas bị bắt ở ngoài khơi đảo Sumatra ngày 27/7, chỉ sau vài ngày Chính quyền Phnom Penh ra thông báo đỏ đề nghị Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) bắt giữ tàu dầu này vì đã lấy cắp dầu thô của Campuchia, theo AFP.

Cũng theo nguồn tin trên, thì hải quân Indonesia đã thẩm vấn thủy thủ đoàn gồm 13 người quốc tịch Ấn Độ, 3 người quốc tịch Bangladesh và 3 người đến từ Myanmar. Hiện con tàu và thủy thủ đoàn đang bị giữ tại một căn cứ hải quân Indonesia gần Singapore.

Thuyền trưởng người Bangladesh có thể đối diện một năm tù giam và mức phạt 14.000 USD nếu bị kết tội vi phạm quy định hàng hải.

Campuchia nỗ lực đưa tàu chở dầu bị bắt giữ bởi Hải quân Indonesia về nước 1
Tàu dầu MT Strovolos neo đậu gần quần đảo Riau của Indonesia. (Hình AFP)

Theo các nguồn tin thì tàu chở dầu MT Strovolos dài 183 mét, trên đường từ Thái Lan đến đảo Batam, Indonesia, đã tắt hệ thống nhận dạng và cập cảng trái phép trong vùng biển của quần đảo này. Tàu được thuê bởi công ty dầu khí KrisEnergy của Singapore để trữ dầu, đây là một phần trong nỗ lực khai thác dầu gần đây của Campuchia. Tuy nhiên, công ty này không còn khả năng trả nợ và đã làm thủ tục thanh lý trong tháng 6, hiện vẫn còn nợ tiền của thủy thủ đoàn.

Giám đốc Điều hành Tổ chức Minh bạch Quốc tế Campuchia Pech Pisey hoan nghênh việc 2 nước hoàn thành thủ tục để đưa tàu chở dầu trở lại Campuchia. Tuy nhiên, ông cho biết quá trình giải quyết vấn đề có thể sẽ phức tạp hơn và Campuchia nên có một luật sư hoặc nhóm pháp lý giỏi để giải quyết các vấn đề pháp lý với công ty Kris Energy sau khi công ty này thông báo phá sản vào tháng 6/2021.

Được biết, Campuchia đã ký một Thỏa thuận hợp tác với công ty Kris Energy vào năm 2017 để phát triển các giếng dầu tại lô A, mỏ Apsara, trên vịnh Thái Lan, cách thành phố Preah Sihanouk, Campuchia khoảng 160 km, sau khi đã đổi một loạt các chủ đầu tư do gặp nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc.

Ngày 29/12/2020, Campuchia đã khai thác được giọt dầu đầu tiên trong lịch sử và dự kiến sẽ khai thác được khoảng 7.500 thùng dầu mỗi ngày. Nhưng đến tháng 4/2021, công ty Kris Energy thông báo rằng sản lượng dầu từ 5 giếng ở khu vực Apsara chỉ đạt khoảng gần 2.500 thùng/ngày, thấp hơn dự kiến, mang lại ít doanh thu và ảnh hưởng đến tài chính của công ty.

Campuchia nỗ lực đưa tàu chở dầu bị bắt giữ bởi Hải quân Indonesia về nước 2
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Campuchia Samdech Tea Banh nhận ly dầu đầu tiên của Campuchia từ ông Suy Sem, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia trao tặng tại Tượng đài Chiến thắng, trong Lễ bàn giao

Campuchia đã quyết định ngưng toàn bộ quá trình bơm dầu sau khi công ty Chris Energy có trụ sở tại Singapore tuyên bố phá sản vào tháng 6/2021. Chính công ty Kris Energy này đã phát hiện giếng dầu đầu tiên ở Campuchia vào cuối năm 2020 và tổ chức lễ mừng tại Tượng đài Chiến thắng ngày 8/6/2021.