Đây là kết quả từ khảo sát của công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research, công bố ngày 14/1.
Phần lớn các doanh nghiệp phá sản là vừa và nhỏ, chiếm 10.004 vụ. Tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp này là 2.340 tỷ yen (14,9 tỷ USD), giảm 2,4% so với năm 2023, nhưng áp lực kinh tế vẫn đè nặng.
Nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phá sản bao gồm đồng yen giảm giá mạnh nhất trong 37 năm so với đồng USD vào mùa hè năm ngoái, làm tăng đáng kể chi phí nhập khẩu. Đồng thời, tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng do dân số già hóa và các quy định nghiêm ngặt hơn về giờ làm thêm đã khiến nhiều ngành lao động phải chịu áp lực lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ.
Ngành dịch vụ, bao gồm nhà hàng, ghi nhận số vụ phá sản cao nhất với 3.329 vụ, tăng 13,2%, lần đầu tiên vượt mốc 3.000 vụ kể từ năm 1990. Ngành xây dựng cũng không khá hơn với 1.924 vụ phá sản, tăng 13,6%.
Đáng chú ý, số vụ phá sản do thiếu hụt lao động tăng mạnh lên mức kỷ lục 289 vụ, so với 159 vụ trong năm trước. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn do không tìm được người tiếp quản, dẫn đến 462 vụ phá sản, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Ngoài ra, chi phí an sinh xã hội và gánh nặng thuế cũng khiến nhiều doanh nghiệp không trụ vững. Số doanh nghiệp phá sản vì lý do này đã tăng gần gấp đôi, từ 92 vụ trong năm 2023 lên 176 vụ năm 2024.
Tokyo Shoko Research nhận định rằng nhiều doanh nghiệp đã tránh được phá sản nhờ tái cấp vốn các khoản vay. Tuy nhiên, nếu không cải thiện tình hình kinh doanh, các doanh nghiệp này có nguy cơ tiếp tục rơi vào vòng xoáy khó khăn.