Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức tư vấn Asia House vừa công bố các báo cáo mới về triển vọng kinh tế toàn cầu, cho thấy một bức tranh kinh tế ổn định nhưng với tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2025 và 2026.
Đặc biệt, châu Á nổi lên như động lực chính bất chấp những thách thức toàn cầu.
WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ duy trì mức 2,7% trong 2 năm tới, thấp hơn mức trung bình của thập kỷ trước (3,1%). Sự chững lại này phản ánh những thiệt hại kéo dài từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine và các yếu tố bất lợi như nợ công cao, năng suất yếu, và biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, lạm phát toàn cầu được dự báo giảm xuống mức trung bình 2,7%, gần với mục tiêu của nhiều ngân hàng trung ương.
Các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt tại Đông Á và Thái Bình Dương, sẽ đối mặt với mức tăng trưởng ổn định ở mức 4% - thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch. Song WB nhấn mạnh rằng tốc độ này không đủ để giúp các nước đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Châu Á, đặc biệt các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, được kỳ vọng dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu.
Theo báo cáo của Asia House, khu vực này đang hưởng lợi từ các xu hướng như tăng tốc số hóa, chi tiêu tiêu dùng gia tăng, và ưu tiên sáng kiến xanh.

Ông Michael Lawrence OBE, Giám đốc điều hành Asia House, nhận định: “Châu Á tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi trước những biến động toàn cầu”.
Bà Mallika Ishwaran, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn dầu khí Shell, cho rằng châu Á có lợi thế lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng, với nhu cầu cao về các sản phẩm và dịch vụ liên quan. Điều này giúp khu vực tạo ra lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp các giải pháp xanh cho toàn cầu.
Tuy nhiên, WB cảnh báo rằng các nền kinh tế đang phát triển cần phải đưa ra chiến lược cải cách sâu rộng để thúc đẩy đầu tư tư nhân, mở rộng quan hệ thương mại, và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Tăng trưởng chậm tại Trung Quốc và châu Âu sẽ ảnh hưởng đến triển vọng khu vực Đông Á, trong khi châu Phi phía Nam Sahara, Trung Đông, và châu Mỹ Latin dự kiến tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu mạnh mẽ hơn.