Chờ...

EU tính chuyển tài sản bị đóng băng của Nga sang tái thiết Ukraine

VOH - Tài sản của Nga bị đóng băng trong các tài khoản châu Âu có thể tạo ra hàng tỷ đô la mỗi năm để tái thiết Ukraine.

Nhưng số tiền nên được sử dụng như thế nào để không vi phạm luật pháp quốc tế hoặc làm tổn hại đến vị thế quốc tế của đồng euro? Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang trăn trở tìm câu trả lời cho câu hỏi trên tại một cuộc họp ở Brussels hôm 29/6.

ukraine
Cư dân đứng cạnh một tòa nhà chung cư bị hư hại do cuộc tấn công của quân đội Nga ở Sloviansk, miền đông Ukraine vào ngày 14/4/2023 - Ảnh: Reuters

Xem thêm: Anh cấm luật sư tư vấn kinh doanh cho doanh nghiệp Nga

Ngân hàng Thế giới ước tính, Ukraine sẽ cần ít nhất 411 tỷ đô la để khắc phục thiệt hại do xung đột gây ra. Và EU và các đồng minh quyết tâm biến Nga thành một phần của kế hoạch tái thiết này.

Một ý tưởng được đưa ra ở EU là rút tiền lãi từ thu nhập do tài sản của Nga tạo ra trong khi vẫn giữ nguyên tài sản.

Theo Anders Ahnlid, Tổng giám đốc của Ủy ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển - người đứng đầu nhóm công tác EU đang xem xét các tài sản của Nga bị đóng băng, cách tiếp cận này có thể sẽ mang lại khoảng 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD) mỗi năm.

“Đó là cách tốt nhất để sử dụng những tài sản này phù hợp với luật pháp EU và quốc tế” - Ahnlid nói với CNN, đồng thời lưu ý rằng, đó cũng là quan điểm của các luật sư tại Ủy ban Châu Âu, cơ quan đã hứa sẽ đề xuất một cách khai thác tài sản bị phong tỏa của Nga trong vòng vài tuần.

Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lo ngại rằng, điều này có thể làm lung lay niềm tin vào đồng euro với tư cách là đồng tiền dự trữ lớn thứ hai thế giới. 

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU yêu cầu giấu tên cho biết: “Chúng ta phải tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đó là vấn đề về danh tiếng, về sự ổn định tài chính và niềm tin”.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, EU và đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga, đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của nước này - khoảng 300 tỷ euro (327 tỷ USD) - cùng các biện pháp khác.

Khoảng 2/3 trong số đó, tương đương 200 tỷ euro (218 tỷ USD), nằm ở EU, chủ yếu trong các tài khoản tại Euroclear có trụ sở tại Bỉ, một trong những cơ quan thanh toán tài chính lớn nhất thế giới.

Euroclear đóng vai trò quan trọng trong thị trường toàn cầu, giải quyết các giao dịch xuyên biên giới và giữ an toàn hơn 40 nghìn tỷ đô la tài sản.

Thông thường, các khoản thanh toán này sẽ được thực hiện cho các tài khoản ngân hàng của Nga, nhưng chúng đã bị chặn do lệnh trừng phạt và hiện bản thân chúng đang tạo ra số tiền lãi khổng lồ.

Euroclear thường xuyên đầu tư số dư tiền mặt dài hạn như vậy và trong quý đầu tiên, ghi nhận 734 triệu euro (802 triệu đô la) tiền lãi kiếm được trên số dư tiền mặt từ các tài sản của Nga bị đóng băng.

Kế hoạch do nhóm làm việc của EU đề xuất sẽ liên quan đến việc sử dụng một khoản thuế đặc biệt để thu lãi do Euroclear thực hiện từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Sau đó, khoản này sẽ được nộp vào ngân sách EU để tái thiết Ukraine.

Phát biểu bên lề cuộc họp của EU hôm 29/6, Thủ tướng Latvia Arturs Krišjānis Kariņš cho biết: “Chúng ta cần tìm cơ sở pháp lý để tận dụng, huy động những tài sản này để giúp… bồi thường thiệt hại mà Nga đang gây ra ở Ukraine”.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của EU cảnh báo về những hậu quả không lường trước được, chẳng hạn như khiến các quốc gia hoặc nhà đầu tư khác lo lắng về sự an toàn của tài sản của họ ở châu Âu.