"Giấc mộng châu Phi" của Trung Quốc tan vỡ, nguyên nhân do đâu?

(VOH) - Đại dịch Covid-19 vào năm ngoái đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tài chính của Trung Quốc trong việc vung tiền ra nước ngoài nhằm mở rộng sự ảnh hưởng của mình trên thế giới.

Những chuyến tàu hỏa chạy bon bon băng qua cao nguyên và vùng hoang dã rộng lớn của Ethiopia, nối cảng Modjo với thị trấn Dire Dawa xinh đẹp và cuối cùng thẳng tiến đến cảng biển Djibouti trên tuyến đường vận tải quốc tế chính... Đây là hình ảnh một số cảnh quay trong bộ phim tài liệu do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc thực hiện.

Bộ phim lấy ý tưởng từ dự án đường sắt Addis Ababa - Djibouti do Trung Quốc xây dựng ở Ethiopia nhằm quảng bá dự án này như một bản mẫu thành công của "mô hình Trung Quốc" ở Châu Phi.

"Giấc mộng châu Phi" của Trung Quốc tan vỡ, nguyên nhân do đâu? 1
Đường sắt Addis Ababa - Djibouti, một trong những công trình tiêu biểu được giới thiệu trên trang web của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc.

Trung Quốc và Ethiopia đã thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 51 năm. Từ nhiều năm qua, Ethiopia luôn là hình mẫu hiếm hoi được Trung Quốc sử dụng để quáng bá cho mô hình phát triển của mình vì nước này đã sao chép cách thức phát triển kinh tế và đường hướng chính trị của Trung Quốc.

Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi khai mạc vào ngày 29/11 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu với nhan đề "Chung tay xây dựng một Cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc - Châu Phi trong thời đại mới".

Dù biết rằng tình hình tại Ethiopia đang có những bất ổn và mâu thuẫn nội bộ ngày càng gia tăng, nhưng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cát Lâm vẫn quyết định đến Ethiopia để thực hiện bộ phim tài liệu nhằm quảng bá về "Cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại".

Cụm từ "Cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại" là khẩu hiệu tuyên truyền do ông Tập Cận Bình đưa ra, nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới do Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo.

Trên thực tế, đại dịch Covid-19 vào năm ngoái đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tài chính của Trung Quốc trong việc vung tiền ra nước ngoài nhằm mở rộng sự ảnh hưởng của mình trên thế giới. Cũng chính vì thế mà nền kinh tế của Ethiopia - vốn phụ thuộc nhiều vào những khoản viện trợ kinh tế của Trung Quốc - đã bị đẩy đến bờ vực sụp đổ.

Cuộc nội chiến xảy ra tại Ethiopia vào năm ngoái không chỉ phá vỡ chiếc tủ trưng bày duy nhất về "mô hình Trung Quốc" ở Ethiopia, mà còn phơi bày sự thật về sự thất bại trong đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi.

Thất bại trong đầu tư tại Ethiopia: "Mô hình Trung Quốc" tan vỡ!

Ethiopia là quốc gia đông dân thứ 2 tại châu Phi, nhận được nhiều khoản viện trợ kinh tế từ Trung Quốc nên Ethiopia từng là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới và được truyền thông phương Tây ví như là một "tiểu Trung Quốc" ở khu vực miền Đông châu Phi.

Tăng trưởng kinh tế của Ethiopia do sao chép mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, gần như đồng bộ với việc đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi. Từ năm 2006 - 2015, các tổ chức tài chính của Trung Quốc đã cung cấp những khoản vay cho Ethiopia lên đến hơn 13 tỷ USD trong các lĩnh vực như đường bộ, đường sắt, khu công nghiệp…

Đầu tư của Trung Quốc đã khiến các khoản nợ của Ethiopia bỉ đẩy lên cao và thu hút một lượng lớn các công ty Trung Quốc đến Ethiopia để tìm vàng, khiến người Trung Quốc trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn nhất ở Ethiopia, nhưng điều đó không làm thay đổi một thực tế rằng Ethiopia vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Hiện nay, trong tổng số 27 tỷ USD nợ nước ngoài của Ethiopia, có đến một nửa là nợ của Trung Quốc, chủ yếu là đầu tư vào các dự án lớn về cơ sở hạ tầng.

Với việc Ethiopia tham gia sáng kiến ​​"Vành đai và Con đường" của Trung Quốc vào năm 2018, đầu tư của Trung Quốc vào nước này đã gia tăng nhanh chóng. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, quốc gia đầu tư nhiều nhất và là nhà thầu công trình lớn nhất của Ethiopia.

Tuy nhiên, sự khuyếch trương nhằm mở rộng sức ảnh hưởng của Trung Quốc đã gặp phải những thách thức lớn do những bất ổn xảy ra tại Ethiopia vào năm ngoái.

Cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed và lực lượng nổi dậy thuộc "Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray" (TPLF) ở vùng tự trị Tigray kéo dài một năm qua đã khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo.

TPLF từng là một thế lực chính trị tại Ethiopia, nhưng giờ đây lực lượng này đã bị chính phủ Ethiopia xem là một tổ chức khủng bố.

Đáng lưu ý, Trung Quốc có mối quan hệ khăng khít với cả hai bên liên quan trong cuộc nội chiến ở Ethiopia.

Trước năm 2019, TPLF có tên gọi là Mặt trận Dân chủ Cách mạng Nhân dân Ethiopia (EPRDF), có mối quan hệ rất gần gũi với Trung Quốc.

Trong hơn 20 năm cầm quyền tại Ethiopia, EPRDF gần như sao chép hoàn toàn cách thức kiểm soát xã hội và phát triển kinh tế của Trung Quốc theo cái gọi là "mô hình Trung Quốc".

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus - người từng bị tố đã giúp Trung Quốc che giấu thông tin về đại dịch Covid-19 - thuộc tộc người Tigray.

Mặc dù đương kim Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed được xem là một chính trị gia thân phương Tây, nhưng ông cũng rất gần gũi với Trung Quốc, từng nhiều lần khen ngợi và tỏ ý muốn học hỏi từ Trung Quốc.

Trang mạng Oryx đưa tin, trong cuộc nội chiến tại Ethiopia, quân đội chính phủ của Thủ tướng Abiy cũng mua vũ khí từ Trung Quốc và Iran.

Tương lai về cuộc nội chiến tại Ethiopia rất khó phán đoán, nhưng giấc mơ chiến lược đầu tư vào châu Phi của Trung Quốc có thể nói gần như là tan vỡ.

Dư án đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại Ethiopia là dự án đường sắt Addis Ababa - Djibouti với vốn đầu tư hơn 4,2 tỷ USD, được xem là hình ảnh thu nhỏ của việc đầu tư của Trung Quốc vào Châu Phi.

Tuyến đường sắt này được khởi công xây dựng vào năm 2012 bởi nhà thầu Trung Quốc, nối liền thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với cảng biển Doraleh nằm ở phía tây của nước láng giềng Djibouti.

Sau khi khánh thành vào năm 2016, nó trở thành tuyến đường sắt điện xuyên biên giới đầu tiên ở châu Phi, đồng thời cũng là tuyến đường sắt điện đầu tiên ở châu Phi với toàn bộ chuỗi công nghiệp theo "tiêu chuẩn Trung Quốc".

Mặc dù tuyến đường sắt này trở thành dự án kiểu mẫu của sáng kiến ​​"Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, nhưng nó không mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho Ethiopia như những gì Trung Quốc từng quảng bá.

Trên thực tế, các đơn vị tham gia đầu tư và vận hành dự án này của phía Trung Quốc cũng đều bị thua lỗ nặng nề.

Do Ethiopia không có khả năng thanh toán các khoản nợ vay của Trung Quốc, tháng 9/2018, Thủ tướng Abiy đã đạt thỏa thuận với phía Trung Quốc về việc gia hạn thời gian thanh toán nợ. Theo đó, thời gian thanh toán khoản nợ vay 4 tỷ USD cho dự án đường sắt Addis Ababa - Djibouti sẽ được gia hạn từ 10 năm lên 30 năm.

Tuy nhiên, cuộc nội chiến nổ ra vào năm ngoái tại Ethiopia đã làm tan vỡ hoàn toàn hy vọng chuyển lỗ thành lời của dự án trên, đồng thời nó cũng có thể khiến thời hạn thanh toán nợ cho Trung Quốc của Ethiopia bị kéo dài vô thời hạn.

Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của nhiều quốc gia châu Phi

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại châu Phi, chủ yếu là xây dựng cầu đường, sân bay và trạm điện cho chính phủ các nước châu Phi theo đuổi "mô hình Trung Quốc" (từ Ghana đến Mozambique). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước châu Phi ngày càng gây tranh cãi và không chắc chắn.

Tính đến năm 2021, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong suốt 13 năm liền. Từ năm 2002 - 2020, kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc - châu Phi đã tăng gấp 20 lần, từ 10 tỷ USD lên 200 tỷ USD.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nhà đầu tư lớn nhất ở châu Phi, nhưng là chủ nợ lớn nhất của nhiều quốc gia tại châu lục này.

Theo ước tính của Nhóm Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc - Châu Phi (CARI) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), từ năm 2000 - 2019, các tổ chức tài chính của Trung Quốc đã ký với các nước châu Phi tổng cộng 1.141 thỏa thuận cho vay nợ với tổng số nợ cho vay lên đến 153 tỷ USD.

Từ điển hình của dự án đường sắt Addis Ababa - Djibouti cho thấy, không chỉ các quốc gia con nợ nhận viện trợ mà ngay cả quốc gia chủ nợ như Trung Quốc, cũng đều bị rơi vào vũng lầy nợ nần.