Khi luật được ban hành, Hy Lạp sẽ trở thành quốc gia thứ 37 trên thế giới và là quốc gia theo đạo Cơ đốc Chính thống đầu tiên hợp pháp hóa việc nhận con nuôi của các gia đình đồng giới.
Ngày 15/2, Quốc hội Hy Lạp thông qua luật trao quyền kết hôn bình đẳng và quyền làm cha mẹ cho các cặp đồng giới. Quy định mới cho phép các cặp kết hôn đồng giới nhận con nuôi, giúp cả 2 người đều có quyền giám hộ đối với con chung.
Theo luật mới, trẻ em tại Hy Lạp có thể thừa kế từ cha mẹ không phải ruột thịt. Luật mới không cho phép các cặp đồng giới nam ở Hy Lạp có con thông qua việc mang thai hộ. Quy định này chỉ dành riêng cho phụ nữ không thể sinh con.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis viết trên X, trước đây là Twitter: “Đây là một cột mốc quan trọng về nhân quyền, phản ánh Hy Lạp ngày nay – một quốc gia tiến bộ và dân chủ, cam kết nhiệt tình với các giá trị châu Âu”.
Khi kết quả bỏ phiếu được công bố, hàng chục người vẫy cờ cầu vồng ăn mừng trước tòa nhà quốc hội ở trung tâm Athens.
Thủ tướng Mitsotakis cho biết, luật mới cung cấp cho mọi người quyền kết hôn dân sự cùng với các nghĩa vụ đi kèm và bảo vệ quyền của trẻ em bất kể hình thức gia đình.
"Biện pháp cải cách này giúp cải thiện cuộc sống của nhiều người dân chúng ta mà không tước đoạt bất cứ điều gì khỏi cuộc sống của nhiều người khác" - ông Mitsotakis nói.
Dù một số quốc gia EU đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, Hy Lạp là nước có đạo Cơ đốc Chính thống chiếm đa số đầu tiên có động thái này.
Những người phản đối luật chỉ ra rằng, Hy Lạp từ năm 2015 đã đưa ra quy định cho phép quan hệ đối tác dân sự đồng giới. Họ cho rằng quy định này đã đủ, nhưng đa số nhà lập pháp nước này không đồng ý.
Giáo hội Hy Lạp phản đối mạnh mẽ đạo luật mới vì cho rằng đây là mối đe dọa đối với mô hình gia đình truyền thống. Một số người vào ngày 12/2 đã biểu tình tại Athens để phản đối luật mới nhưng số lượng người tham gia tương đối ít.
Đạo luật mới của Hy Lạp được giới LGBTQ ca ngợi là mang tính lịch sử. Họ cho rằng, các gia đình đồng giới phải đối mặt với một mê cung các thách thức hành chính dẫn đến phân biệt đối xử theo luật gia đình hiện hành.
Khi con cái của họ ngã bệnh ở Hy Lạp, cha mẹ nuôi đồng giới hiện không có quyền quyết định những thủ tục y tế nào là cần thiết cho chúng. Trẻ em cũng không được tự động thừa kế tài sản từ cha mẹ không phải ruột thịt của mình.
Nếu một đứa trẻ có hai cha, chúng chỉ có thể được đăng ký với cơ quan đăng ký dân sự và được bảo vệ bởi các dịch vụ xã hội bằng cách nhập tên của mẹ ruột. Và nếu cha/mẹ ruột qua đời, nhà nước có thể tước đoạt con cái của người cha/mẹ nuôi.