Indonesia: Gần 100 trẻ nhỏ tử vong trong năm nay vì tổn thương thận cấp tính

(VOH) - Bộ Y tế Indonesia cho biết, trong năm 2022, nước này đã ghi nhận 99 trường hợp trẻ em tử vong có nguyên nhân từ các tổn thương thận cấp tính.

Ngày 19/10, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Mohammad Syahril cho biết tính đến hiện tại, nước này đã ghi nhận 206 trường hợp trẻ em nhập viện vì các tổn thương thận cấp tính, trong đó có 99 em đã tử vong.

Trước đó vào ngày 12/10, Bộ Y tế Indonesia cũng ra thông báo sẽ phối hợp với các nhà điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồng thời phối hợp với Hiệp hội Nhi khoa Indonesia (IDAI) và một bệnh viện ở thủ đô Jakarta tiến hành điều tra các trường hợp tổn thương thận cấp, khiến nhiều trẻ em nước này tử vong trong năm nay. 

Các phát hiện ban đầu cho thấy, khả năng nhiễm độc có thể là nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác.

Cuộc điều tra được tiến hành sau khi WHO ra cảnh báo về việc 66 trẻ em ở Gambia tử vong sau khi sử dụng siro trị ho và cảm lạnh do hãng dược Maiden Pharmaceuticals của Ấn Độ sản xuất. 

Các sản phẩm nghi vấn gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng mà WHO cảnh báo là là Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup.

Cơ quan Kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia Indonesia (BPOM) cho biết các loại siro trên không được đăng ký tại nước này.

Indonesia: Gần 100 trẻ nhỏ tử vong trong năm nay vì tổn thương thận cấp tính
4 loại siro được cho là gây ra những tổn thương cấp tính ở thận và là nguyên nhân khiến 66 trẻ em thiệt mạng ở Gambia. Ảnh: BBC

Cảnh báo của WHO nêu rõ kết quả các phân tích trong phòng thí nghiệm các mẫu của từng sản phẩm nói trên cho thấy chúng chứa một lượng lớn "không thể chấp nhận" diethylene glycol và ethylene glycol. Những chất này rất độc hại và có thể gây tử vong hoặc khiến người dùng gặp phải các tác dụng phụ như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu...

Vụ 66 trẻ em Gambi tử vong nghi vì siro ho: Ấn Độ và hãng dược nói gì?

Sự việc siro ho của Ấn Độ không an toàn đã gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt tại Gambia. Người dân nước này yêu cầu các cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ vì những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe trẻ em. Sự việc cũng khiến hình ảnh của Ấn Độ - quốc gia được xem là “nhà thuốc của thế giới” khi là nước xuất khẩu thuốc và dược phẩm lớn nhất trên toàn cầu - bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cơ quan quản lý y tế Ấn Độ sau đó cho rằng Maiden Pharmaceuticals đã vi phạm các quy định về an toàn “trong sản xuất và thử nghiệm sản phẩm”, và yêu cầu đình chỉ toàn bộ hoạt động của nhà máy sản xuất của hãng này tại New Delhi.