Chờ...

Iran có thể chấp nhận đề xuất của EU về khôi phục thỏa thuận JCPOA

(VOH) - Iran đang xem xét "văn bản cuối cùng" do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA.

Hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA ngày 12/8 dẫn lời một quan chức ngoại giao nước này cho biết Iran đang xem xét "văn bản cuối cùng" do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Quan chức này cho biết thêm rằng những đề xuất của EU có thể chấp nhận được nếu đáp ứng được những yêu cầu của Iran về đảm bảo an ninh, vấn đề trừng phạt và sự đảm bảo của Mỹ đối với thỏa thuận JCPOA.

 Trước đó vào ngày 8/8, Đại diện cấp cao về chính sách anh ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết "văn bản cuối cùng" đã được đệ trình để các nước có liên quan đưa ra quyết định.

Đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo. (Ảnh: Getty Images)
Đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo. (Ảnh: Getty Images)

Văn bản này được đưa ra sau 4 ngày đàm phán giữa các bên liên quan tại thủ đô Vienna của Áo. Vòng đàm phán này được nối lại vào ngày 4/8 sau gần 5 tháng bị đình trệ. Đại diện của Iran và Mỹ đã tiến hành đàm phán gián tiếp qua sự trung gian của quan chức EU.

 Một quan chức cấp cao của EU nói với hãng tin Reuters rằng các bên liên quan đã tiến hành các cuộc đàm phán trong một thời gian dài với mong muốn đạt được thỏa thuận và đây là văn bản cuối cùng. Quan chức này hy vọng các bên sẽ đưa ra quyết định cuối cùng của mình về văn bản này trong vòng vài tuần.

 Tờ "Wall Street Journal" dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao châu Âu cho biết "văn bản cuối cùng" do EU đề xuất đã có "những thỏa hiệp đáng kể".

Trên cơ sở các đề xuất do EU đưa ra, phía Mỹ cho biết nước này sẵn sàng "nhanh chóng ký kết một thỏa thuận" nhằm khôi phục JCPOA.

Tháng 7/2015, Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Theo đó, Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của nước ngoài đối với nước này.

Cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. (Ảnh: NBC News)
Cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. (Ảnh: NBC News)

Tuy nhiên, phía Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018 và tái áp đặt cũng như gia tăng các biện pháp trừng phạt của nước này đối với Iran. Đáp lại, Iran bắt đầu từ chối thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận trên kể từ tháng 5/2019, nhưng cho biết các biện pháp mà nước này thực hiện "có thể đảo ngược".

 Ngày 10/8 vừa qua, chính phủ Mỹ cho biết một thành viên thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) có âm mưu sát hại cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhưng cho rằng điều này không nên ảnh hưởng đến việc nối lại các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA.

Ngày 12/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã bác bỏ cáo buộc trên của Mỹ. Trong dòng tin đăng trên tài khoản mạng xã hội của mình, ông Kanaani gọi ông Bolton là "kẻ khủng bố hết thời nhưng khét tiếng" và nói rằng thật nực cười khi người Mỹ "bịa ra câu chuyện" này.

Hồi tháng 7, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với truyền thông Mỹ, ông John Bolton thừa nhận ông từng giúp lên kế hoạch đảo chính ở các nước khác. Ngày 16/7, Bộ Ngoại giao Iran đã công bố một danh sách mới về những người Mỹ ủng hộ nhóm Mujahideen chống chính phủ tại Iran và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 61 công dân Mỹ, trong đó có ông Bolton.