Phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 24/9, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nếu những cam kết trong thỏa thuận được thực hiện đầy đủ và có thiện chí thì có thể tiến hành đối thoại về các vấn đề khác sau đó.”
Theo Reuters, giới chức giáo sĩ ở Iran mong muốn Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt vốn đang gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế nước này.
Tổng thống Iran Pezeshkian kêu gọi xây dựng mô hình toàn cầu mới, trong đó "tập trung vào các cơ hội thay vì ám ảnh với nỗi lo về những mối đe dọa tiềm tàng", cho rằng thế giới có thể vượt qua những hạn chế và bước vào kỷ nguyên mới.
“Kỷ nguyên này sẽ bắt đầu với việc công nhận những lo ngại về an ninh của Iran và hợp tác giải quyết các thách thức chung”, ông nói thêm.
Về các căng thẳng đang leo thang tại Trung Đông, Tổng thống Pezeshkian lên tiếng chỉ trích Israel, nhấn mạnh điều cấp thiết là cộng đồng quốc tế phải ngay lập tức đảm bảo lệnh ngừng bắn vĩnh viễn tại Dải Gaza và chấm dứt hành động của Israel tại Lebanon “trước khi nó nhấn chìm khu vực và thế giới”.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn. Các nỗ lực nhằm khôi phục thỏa thuận này cho đến nay vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể.
Thỏa thuận hạt nhân Iran có tên chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015 với mục tiêu hạn chế chương trình hạt nhân của Iran – cụ thể là giới hạn mức làm giàu uranium tinh khiết của Iran ở mức 3,67% và mức dự trữ hóa chất này ở mức 202,8 kg. Đổi lại, Iran sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đa phương.
Sau khi thỏa thuận hạt nhân bị hủy bỏ, phía Iran cũng hủy các cam kết như động thái đáp trả và tiến hành các hoạt động làm giàu uranium.
Vào đầu năm nay, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết Iran đã làm giàu uranium với tỷ lệ tinh khiết lên tới 60%, vượt xa mức cần thiết để sử dụng thương mại.
Mỹ, Israel và các nước đồng minh phương Tây từng nhiều lần cáo buộc Iran lợi dụng chương trình phát triển hạt nhân để thực chất là sản xuất vũ khí hạt nhân. Đáp lại, phía Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm duy nhất phục vụ mục đích hòa bình.

Theo Reuters, một số nước khác góp mặt trong thỏa thuận JCPOA như Anh, Pháp, Đức cho rằng giới lãnh đạo Tehran vẫn không dễ dàng gì từ bỏ quan điểm và lộ trình làm giàu hạt nhân, đồng thời việc tiến đến một thỏa thuận rộng hơn gồm các nội dung về chương trình hạt nhân và vai trò địa chính trị của Iran là không phù hợp vào thời điểm này.
Mối quan hệ giữa Tehran và phương Tây tiếp tục xấu đi kể từ khi chiến sự giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas do Iran hậu thuẫn bùng nổ hồi tháng 10 năm ngoái, và các động thái hỗ trợ của Iran đối với Nga trong xung đột với Ukraine.
“Chúng tôi tìm kiếm hòa bình cho tất cả mọi người và không có ý định xung đột với bất kỳ quốc gia nào ... Iran phản đối chiến tranh và nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt ngay xung đột quân sự ở Ukraine", Tổng thống Iran Pezeshkian tuyên bố.