Trong số các biện pháp có quy định rằng, các tàu có nghĩa vụ phải đưa người di cư đến nơi an toàn ngay lập tức, không được chờ đợi trên biển để đón thêm người, cũng như các tàu cứu hộ nhỏ không được chuyển người di cư sang các tàu lớn hơn để họ có thể ở lại trên biển.
Các quy định mới sẽ được đưa vào một đạo luật ràng buộc thay vì tạo thành một phần của quy tắc ứng xử tự nguyện, như trước đây. Việc thực thi sẽ chuyển từ tòa án sang các chính quyền vùng, với quyền áp đặt mức tiền phạt và tạm giữ tàu trong trường hợp vi phạm.
Từ trước tới nay, Italy luôn là một trong những điểm đến đầu tiên tại châu Âu trong hành trình của dòng người di cư trái phép từ châu Phi, Trung Đông. Theo Bộ Nội vụ Italy, kể từ đầu năm 2022, hơn 87.000 người đã vượt biên trái phép vào lãnh thổ quốc gia này.
Một thống kê khác cho thấy, hơn 90.000 người di cư và người tị nạn đã đến 27 quốc gia EU trong năm nay thông qua tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải, tăng 50% so với năm 2021.
Khu vực Địa Trung Hải giữa Italy, Malta và Libya trong những năm gần đây trở thành tuyến đầu với tư cách một tuyến đường di cư bất thường từ châu Phi sang châu Âu. Vào các tháng mùa thu và mùa đông khi điều kiện biển và thời tiết tốt, dòng chảy di cư theo tuyến này tăng lên.
Thay vì các quốc gia châu Âu, các tàu cứu hộ của các tổ chức phi chính phủ (NGO) có trụ sở tại châu Âu phải liên tục giải cứu những người di cư bất thường kêu cứu trên biển.
Nơi đầu tiên những người di cư có thể vượt Địa Trung Hải hoặc được giải cứu, đặt chân đến châu Âu là đảo Lampedusa, vùng đất của Italy gần nhất với phía bắc châu Phi.