Chờ...

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, ảnh hưởng tới thế giới ra sao?

VOH - Những con số thống kê gần đây đều cho thấy, kinh tế Trung Quốc hồi phục không như dự kiến. Cỗ xe này đi chậm lại, đã và đang kéo theo phần còn lại của thế giới.

Chỉ 8 tháng trước, kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng. Khi chính sách zero-Covid được bãi bỏ, người mua sắm và khách du lịch được tự do đi lại. Nhiều chuyên gia dự báo, nền kinh tế số 2 thế giới sẽ như cái lò xo bật trở lại sau khi bị nén xuống. GDP quý 2 có thể tăng trưởng 10%. Tuy nhiên với mọi cố gắng, con số tích cực nhất chỉ là hơn 3%. Xuất khẩu yếu, hàng hóa dư thừa nhiều, kinh tế chính thức rơi vào tình trạng giảm phát. Chính phủ chưa có giải pháp mạnh mẽ, nhất là kích cầu bất động sản, đang dấy lên lo ngại về 1 cuộc suy thoái có thể kéo dài.

Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Thượng Hải của Trung Quốc - Ảnh IFM
Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Thượng Hải của Trung Quốc - Ảnh IFM

Những gì xảy ra ở Trung Quốc, đều ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới. Ví dụ khi Trung Quốc nhập khẩu ít hàng hóa hơn, khiến các doanh nghiệp giảm sản xuất, và tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Những quốc gia dựa vào xuất khẩu làm động lực cho tăng trưởng, dễ bị ảnh hưởng bởi sự ảm đạm của kinh tế Trung Quốc. Hiện nay, cường quốc châu Á này tiêu thụ 1/5 dầu mỏ toàn cầu, 50% đồng, 50% niken, 50% kẽm tinh chế, và hơn 60% quặng sắt của thế giới. Rất nhiều hàng hóa khác Trung Quốc cũng tiêu thụ hàng đầu, như lương thực, nông sản, hay đồ tiêu dùng. Kinh tế khó khăn, đồng nghĩa người dân chi tiêu ít hơn, doanh nghiệp sẽ giảm nhập khẩu lại. Đó là thảm họa với 1 số nền kinh tế như Zambia, bởi xuất khẩu tới Trung Quốc chiếm 20% GDP. Úc cũng phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, nhất là về than và sắt. Ngày 22/8, công ty khai thác mỏ hàng đầu thế giới đến từ Úc báo cáo, lợi nhuận của họ thấp nhất trong 3 năm. Lý do là khách hàng ở Trung Quốc giảm mua.

Tại phương Tây, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhất có lẽ phải kể đến nước Đức. Những năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của đầu tàu châu Âu này. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm, là 1 phần nguyên nhân khiến kinh tế Đức trì trệ từ đầu năm 2023 tới nay.

Theo 1 số thống kê vào năm 2021, khoảng 200 công ty đa quốc gia lớn nhất ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, thu được bình quân 13% lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc, tương đương 700 tỷ USD. Nổi bật như hãng xe điện Tesla, 20% doanh thu đến từ Trung Quốc, hay gã khổng lồ công nghệ Qualcomm, con số lên tới gần 70%.

Nhìn bức tranh rộng hơn, tất cả công ty niêm yết ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, có mức độ phụ thuộc thị trường Trung Quốc bình quân từ 4 đến 8%. Xuất khẩu đến Trung Quốc cũng chiếm từ 1 đến 2% GDP của Mỹ, Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Riêng Đức, con số là 4%.

Khó khăn của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm, phần còn lại của thế giới cũng đang chật vật vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như ảnh hưởng từ cuộc chiến Ukraine hay biến đổi khí hậu.

Tháng 7/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu so với tháng 4. Đáng chú ý là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất - nhập khẩu.

Trong số các áp lực, Trung Quốc giảm mua hàng cũng mang đến 1 vài khía cạnh tích cực. Ví dụ sản phẩm dư thừa nhiều hơn, chi phí sản xuất và giá cả sẽ đi xuống. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bớt áp lực chống lạm phát và tăng lãi suất. Lãi suất hiện nay của FED đang cao nhất trong nhiều thập kỷ. Cộng đồng doanh nghiệp lẫn các chuyên gia đều không muốn tăng thêm nữa. Tình hình tương tự ở 1 số quốc gia.

Tuy vậy, điều gì sẽ kéo theo, nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục xấu hơn? Khủng hoảng bất động sản và mua bán tài sản giữa Trung Quốc với bên ngoài, có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính thế giới. Một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Anh năm 2018 cho thấy, “hạ cánh cứng” ở Trung Quốc, ví dụ tăng trưởng GDP từ 7% xuống âm 1%, sẽ khiến giá tài sản toàn cầu giảm, tiền tệ của các nước giàu sẽ tăng, vì nhiều nhà đầu tư đổ vào như 1 kênh an toàn. GDP vài nước như Anh sẽ giảm khoảng 1,2%. Hiện nay, Anh có nhiều tổ chức tài chính và quản lý tài sản gắn chặt với thị trường Trung Quốc, tiêu biểu là ngân hàng HSBC và Standard Chartered.

Kinh tế đi xuống, sẽ khiến Trung Quốc hướng nội nhiều hơn, giảm đầu tư và cho vay ra bên ngoài. Sau khi trở thành chủ nợ song phương lớn nhất thế giới năm 2017, Trung Quốc bắt đầu cắt giảm 1 số nguồn vốn, khi tìm kiếm các dự án trở nên khó khăn. Vốn từ bên ngoài sẽ quay lại những dự án nội địa.

Quá trình trên cũng có thể ảnh hưởng tới cách thế giới nhìn nhận Trung Quốc. Tại 1 số quốc gia như Pakistan, các dự án có vốn Trung Quốc khiến người dân bất bình. Họ cho rằng, đó có thể là nguyên nhân khiến đất nước rơi vào bẫy nợ. Không ít các vụ tấn công do những nhóm cực đoan tổ chức, đã nhắm vào người Trung Quốc trong vài năm qua. Ở những nước khác, như Mexico, Kenya, Nigeria hay Nam Phi, cảm nhận của người dân địa phương về dự án có vốn Trung Quốc, có vẻ tích cực hơn.