Mỹ, Canada, Anh và EU ra đòn trừng phạt Belarus về vụ máy bay của hãng Ryanair bị buộc hạ cánh khẩn

(VOH) - Ngày 21/6, Mỹ, Canada, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus.

Đây là phản ứng phối hợp giữa các nước phương Tây đối với chính quyền Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko liên quan đến việc nước này buộc một máy bay dân sự của hãng hàng không Ryanair (Ireland) hạ cánh khẩn cấp rồi bắt giữ nhà báo đối lập, cũng như "sự đàn áp liên tục" của chính quyền nhà nước Xô Viết cũ này.

Mỹ, Canada, Anh và EU ra đòn trừng phạt Belarus về vụ máy bay của hãng Ryanair bị buộc hạ cánh khẩn 1
Máy bay của hãng hàng không Ryanair. (Ảnh: AP)

Theo CNN, trong một tuyên bố chung, Mỹ, EU, Anh và Canada nói rằng họ "quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Lukashenko tiếp tục tấn công nhân quyền, các quyền tự do cơ bản và luật pháp quốc tế".

Tuyên bố nói rằng: "Hôm nay, chúng tôi đã đưa ra các biện pháp trừng phạt phối hợp nhằm phản đối việc Belarus buộc một chuyến bay thương mại của hãng hàng không Ryanair phải hạ cánh giữa hai quốc gia thành viên EU vào ngày 23/5, bắt giữ nhà báo Raman Pratasevich và người bạn đồng hành Sofia Sapega vì động cơ chính trị và việc (chính quyền Lukashenko) tiếp tục tấn công nhân quyền và các quyền tự do cơ bản".

Nhà báo Pratasevich là người dám công khai chỉ trích Tổng thống Lukashenko. Ngày 23/5, khi ông đang trên chuyến bay của Ryanair từ Hy Lạp đến Litva, máy bay bất ngờ bị buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay tại thủ đô Minsk của Belarus, sau đó nhà chức trách Belarus đã bắt giữ ông.

Việc máy bay đang bay bị buộc phải chuyển hướng rồi đáp khẩn cấp và bắt giữ người trên máy bay đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Sau đó, nhà báo Pratasevich đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước Belarus. Một số thành viên phe đối lập và các quan sát viên cho rằng nhà báo này có dấu hiệu bị tra tấn.

Trong một tuyên bố khác vào ngày 21/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo sẽ hạn chế thị thực đối với 46 quan chức của Belarus có liên quan đến hành vi phá hoại dân chủ hoặc gây thương tích, những người này sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ.

Ông Blinken cho biết những quan chức này đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong Phủ Tổng thống Belarus, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Nội vụ, Ủy ban Điều tra, Bộ Thông tin, Bộ Thể thao và Du lịch, Ủy ban Biên giới, Bộ Y tế, Tòa án Hiến pháp, Văn phòng Tổng chưởng lý và Tòa án thành phố Minsk.

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 16 cá nhân và 5 thực thể của Belarus, trong đó có Thư ký báo chí của Tổng thống Lukashenko và Chủ tịch Thượng viện Belarus.

Thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng những đối tượng trong danh sách bị trừng phạt đã gây tổn hại đến người dân Belarus thông qua việc tổ chức cuộc bầu cử gian lận vào ngày 9/8 năm ngoái, sau đó là cuộc đàn áp đối với những người biểu tình, nhà báo, thành viên của phe đối lập và xã hội dân sự.

Cũng trong ngày 21/6, EU tuyên bố trừng phạt 78 cá nhân và 8 thực thể của Belarus liên quan đến việc nước này buộc một máy bay dân sự của hãng Ryanair hạ cánh khẩn cấp và sau đó bắt giữ nhân vật đối lập Protasevich và người bạn đồng hành Sofia Sapega có mặt trên máy bay.

Tương tự, Bộ Ngoại giao Canada cũng tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 17 cá nhân và 5 thực thể của Belarus.

Văn phòng Bộ Ngoại giao Anh cũng cho hay nước này đã đưa 7 cá nhân và một thực thể của Belarus vào danh sách trừng phạt liên quan đến vụ việc trên.

Ngoài ra, Anh cũng cho biết 4 cá nhân và 1 thực thể khác của Belarus cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt lần này vì những cáo buộc tham gia vào việc đàn áp dân chủ và nhân quyền ở Belarus.