Phát biểu trên kênh truyền hình CBS ngày 12/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bộ này đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý ngân hàng để ứng phó với những tác động liên quan vụ SVB phá sản.
Bà Yellen khẳng định trong số các biện pháp đang được cân nhắc không có gói cứu trợ tài chính. Mỹ đang tập trung vào việc bảo vệ người gửi tiền và cố gắng đáp ứng những nhu cầu của họ.
Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) đang tìm kiếm một ngân hàng khác có thể sáp nhập với SVB nhằm cứu vãn tình hình.
Theo FDIC, tính tới cuối năm 2022, có tới 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB không có bảo hiểm tiền gửi.
Giới chuyên gia cho rằng thỏa thuận mua lại SVB quá lớn để có thể đạt được trong thời gian gấp rút. Các bên mua tiềm năng có thể sẽ yêu cầu các điều khoản đảm bảo đặc biệt hoặc tiền phụ trợ đi kèm.
Hãng tin Bloomberg đưa tin Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và FDIC đang cân nhắc việc thành lập quỹ mới nhằm cho phép nhà chức trách có thể hỗ trợ thêm tiền gửi đối với những ngân hàng gặp khó khăn sau vụ SVB sụp đổ.
Ngày 12/3, các ngân hàng Anh cũng được ấn định thời gian để giải cứu chi nhánh SVB tại nước này, trước khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) chính thức đưa ngân hàng này vào diện phá sản.
Ban lãnh đạo SVB Anh đang cố gắng tiếp cận các tổ chức cho vay Barclays PLC và Lloyds Banking Group nhằm đạt được một thỏa thuận tiếp quản khẩn cấp.
Ngày 10/3, Silicon Valley Bank - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ đã tuyên bố phá sản.
Vụ SVB phá sản đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch ngày 10/3 và thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển khi hàng tỉ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư "mắc kẹt".