Mỹ kích hoạt loạt biện pháp khẩn cấp nhằm củng cố niềm tin hệ thống ngân hàng

(VOH) - Giới chức Mỹ đã kích hoạt các biện pháp khẩn cấp nhằm củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng sau sự sụp đổ liên tiếp của Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature.

Sau một cuối tuần "sóng gió" với ngành tài chính Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung vì liên tiếp hai ngân hàng tuyên bố phá sản là Silicon Valley (SVB) và Signature (SB), FED và Bộ Tài chính Mỹ đã lập tức xây dựng một chương trình khẩn cấp nhằm đảm bảo tất cả khách hàng của SVB sẽ có thể truy cập được vào tài khoản tiền gửi của mình kể từ sáng thứ Hai 13/3 (giờ địa phương).

Kế hoạch hỗ trợ người gửi tiền được trích từ quỹ bảo hiểm tiền gửi của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) chứ không phải từ nguồn thu thuế của người dân.

Trước đó, chỉ những khách hàng có khoản tiền gửi dưới 250.000 USD mới có thể rút tiền nhờ các điều khoản của luật liên bang.

Mỹ kích hoạt loạt biện pháp khẩn cấp nhằm củng cố niềm tin hệ thống ngân hàng
Signature Bank là ngân hàng tiếp theo ở Mỹ sau Silicon Valley Bank tuyên bố phá sản. Ảnh: AP

Trong tuyên bố chung của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) và Bộ Tài chính Mỹ cho biết: "Chúng tôi đang đưa ra những hành động quyết liệt để bảo vệ kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

Bước đi này nhằm bảo đảm hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tiền gửi và cung cấp tín dụng cho hộ gia đình, doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế bền vững."

Củng cố niềm tin của người dân

FED thông báo sẽ cung cấp các khoản vay với kỳ hạn lên tới 1 năm cho các ngân hàng có tài sản thế chấp an toàn. Đây là một động thái, về lý thuyết, sẽ cho phép các ngân hàng ứng phó với các đợt rút tiền gửi ở bất kỳ quy mô nào, với mục tiêu là để trấn an người dân rằng họ không cần phải rút tiền ra khỏi ngân hàng.

Mặc dù vậy, những lo ngại về rủi ro lan rộng kiểu hiệu ứng domino của hệ thống ngân hàng vẫn còn. Nhiều câu hỏi xoay quanh việc liệu FED có kiên định với kế hoạch tăng mạnh lãi suất trước đó đã đề ra hay không.

Theo Reuters, Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, FED có thể không tăng lãi suất sau 2 vụ sụp đổ ngân hàng chấn động vào cuối tuần qua.

Trước đó, Goldman Sachs dự báo FED sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 4,75 - 5%/năm trong cuộc họp trong tháng 3/2023. 

Mỹ kích hoạt loạt biện pháp khẩn cấp nhằm củng cố niềm tin hệ thống ngân hàng
Các cơ quan quản lý ở Mỹ khẳng định hệ thống ngân hàng vẫn khỏe mạnh. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ sẽ truy cứu những người liên quan

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/3 đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và cố vấn kinh tế Lael Brainard phối hợp với các cơ quan quản lý tài chính để đảm bảo các khách hàng gửi tiền ở SVB được tiếp cận tiền gửi của họ.

Trước đó, chính quyền liên bang thông báo sẽ công bố giải pháp nhằm tăng lượng tiền gửi và ngăn chặn tình trạng sụp đổ tài chính lan rộng.

Mỹ kích hoạt loạt biện pháp khẩn cấp nhằm củng cố niềm tin hệ thống ngân hàng
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ buộc những người có trách nhiệm phải giải trình.

“Tôi cam kết chắc chắn rằng những người có liên quan mớ hỗn độn này sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, và tiếp tục nỗ lực tăng cường giám sát cũng như điều chỉnh các ngân hàng lớn hơn để tránh rơi vào tình trạng này một lần nữa”, ông Biden nói. 

Nhà Trắng cho biết tổng thống Mỹ đã lên kế hoạch phát biểu về hệ thống ngân hàng Mỹ. Nội dung chính sẽ là những cam kết nhằm trấn an người Mỹ sau vụ SVB và Signature, những trường hợp sụp đổ lớn thứ hai và thứ ba trong lịch sử ngân hàng Mỹ từ sau cuộc khủng hoảng 2008.