Các nguồn tin cho rằng những kẻ phá hoại rất có thể là công dân Ukraine hoặc Nga, hoặc cả hai. Tuy nhiên, không có công dân Mỹ hay Anh nào liên quan đến vụ việc này.
Ngoài ra, không có bằng chứng cho thấy Tổng thống Volodymyr Zelensky liên quan hay các quan chức trong Chính phủ Ukraine đã chỉ đạo cuộc tấn công.
Các quan chức Mỹ cũng không nói rõ ai đã ra lệnh hoặc trả tiền cho hành động phá hoại đó. Họ cho rằng vụ tấn công có thể do một lực lượng ủy nhiệm có liên quan tới Chính phủ hoặc lực lượng an ninh Ukraine tiến hành.
Theo đó, những quả bom đã gây hư hại 3 trong số 4 đường ống dẫn khí ở dưới đáy biển Baltic rất có thể do thợ lặn có kinh nghiệm gài. Các thợ lặn này dường như không làm việc cho quân đội hay lực lượng tình báo, song trước đây, họ có thể được huấn luyện chính quy.
Nguồn tin cũng nói rõ rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden và các trợ lý hàng đầu của ông không cho phép tấn công Nord Stream và Mỹ không liên quan tới vụ nổ đường ống. Những tuyên bố này đã bác bỏ thông tin đưa ra từ tháng trước của nhà báo điều tra Seymour Hersh, người đã cáo buộc Washington ra lệnh đánh bom và gài chất nổ vào đường ống.
Cuối tháng 9/2022, hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức được phát hiện có 4 lỗ hổng lớn gây rò rỉ khí đốt. Các đội điều tra quốc tế của Thụy Điển và Đan Mạch xác định đây là vụ phá hoại có chủ đích, và những kẻ tấn công đã gây ra nhiều vụ nổ lớn ở cả hai đường ống.
Nga nhiều lần lên tiếng cho rằng vụ rò rỉ đường ống có sự nhúng tay của các nước phương Tây mà trong đó, Mỹ sẽ là bên được lợi. Đáp lại, Mỹ phủ nhận mọi cáo buộc liên quan.