Trong bản tin hàng tháng, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu cho biết, kể từ tháng 6/2023 - 13 tháng liên tiếp - tháng nào cũng được xếp hạng là tháng nóng nhất kể từ khi số liệu bắt đầu ghi nhận.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, năm 2024 có thể vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất sau khi biến đổi khí hậu do con người gây ra cùng hiện tượng thời tiết tự nhiên El Nino đã đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục cho đến nay.
Zeke Hausfather, nhà khoa học tại tổ chức phi lợi nhuận Berkeley Earth của Mỹ cho biết: "Tôi ước tính rằng có khoảng 95% khả năng năm 2024 sẽ đánh bại năm 2023 để trở thành năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu ghi chép nhiệt độ bề mặt toàn cầu vào giữa những năm 1800".
Biến đổi khí hậu đã gây ra những hậu quả thảm khốc trên toàn thế giới vào năm 2024.
Hơn 1.000 người đã tử vong vì nắng nóng trong cuộc hành hương Haj vào tháng trước. Số người tử vong vì nắng nóng cũng được ghi nhận ở New Dehli - nơi chịu đợt nắng nóng kéo dài chưa từng có.
Friederike Otto, nhà khoa học về khí hậu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London cho biết, "khả năng cao" năm 2024 sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận.
"El Nino là hiện tượng tự nhiên luôn xảy ra và sẽ biến mất. Chúng ta không thể ngăn chặn El Nino, nhưng chúng ta có thể ngừng đốt dầu, khí đốt và than" - bà nói.
Hiện tượng El Nino tự nhiên làm ấm bề mặt nước ở phía đông Thái Bình Dương, có xu hướng làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu.
Hiệu ứng đó đã lắng xuống trong những tháng gần đây, khi thế giới đang ở trạng thái trung tính trước khi hiện tượng La Nina lạnh hơn dự kiến hình thành vào cuối năm nay.
Bộ dữ liệu của C3S có từ năm 1940, các nhà khoa học đã đối chiếu dữ liệu này với các dữ liệu khác để xác nhận rằng tháng trước là tháng 6 nóng nhất kể từ thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900.
C3S cho biết, trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6, nhiệt độ trung bình của thế giới đạt mức cao nhất từng được ghi nhận trong bất kỳ giai đoạn nào.