Nam Phi: Kế hoạch xây thêm nhà máy điện hạt nhân gây tranh cãi

(VOH) - Thông báo của chính phủ Nam Phi cho biết muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân để giải quyết các vấn đề thiếu hụt năng lượng đang gây tranh cãi và khiến nhiều chuyên gia năng lượng lo ngại.

Tuần trước, Cục Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Nam Phi cho biết cơ quan này đã lên kế hoạch về việc tổ chức đấu thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào tháng 3 năm sau.

Kế hoạch này được đưa ra sau khi Cơ quan Năng lượng quốc gia của Nam Phi phê duyệt xây dựng một nhà máy điện hạt nhân thứ hai của nước này với công suất 2.500 megawatt (MW). Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Nam Phi đến thời điểm này là Koeberg có công suất khoảng 1.900 MW và được hòa vào lưới điện vào những năm 1980.

Các nhà lãnh đạo của Nam Phi cho rằng năng lượng hạt nhân là một phần của năng lượng hỗn hợp bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời cũng như than đá, hiện đang chiếm hơn 80% sản lượng điện của quốc gia này.

Nhưng việc tài trợ cho những tham vọng hạt nhân có thể gặp khó khăn vào thời điểm nền kinh tế suy thoái và đang bị cản trở bởi đại dịch Covid-19. Thâm hụt ngân sách năm nay của Nam Phi dự kiến sẽ kéo dài thành hai con số.

Nam Phi: Kế hoạch xây thêm nhà máy điện hạt nhân gây tranh cãi
Nhà máy điện hạt nhân Koeberg của Nam Phi. Ảnh: ESI Africa

Giáo sư Anton Eberhard từ Bộ phận Năng lượng Tương lai thuộc hệ đào tạo sau đại học trực thuộc Đại học Cape Town cho biết, việc thu mua năng lượng hạt nhân là “sự chuyển hướng lãng phí và tốn kém”.

Thay vào đó, giáo sư Anton cho rằng Nam Phi nên tập trung vào việc phát triển các nhà máy cung cấp điện hiện hữu, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 ưu tiên sản xuất 33 GW điện từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Các nhà máy điện hạt nhân vốn sẽ mất nhiều năm để phát triển và vận hành, mang theo nhiều rủi ro về tốn kém chi phí và thời gian. Trong khi đó, các dự án năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời thì có thể triển khai đồng bộ, nhanh chóng và có giá thành cạnh tranh.

Năm 2017, một thương vụ gây tranh cãi mà trong đó phía Nam Phi mua điện hạt nhân từ Nga đã bị tòa phán quyết là không hợp pháp vì thiếu sự thăm dò thị trường. Những người phản đối cho rằng việc duy trì thỏa thuận này sẽ gây thêm nhiều căng thẳng cho lĩnh vực tài chính công vào thời điểm tỷ giá tín dụng giảm thấp.

Nam Phi là quốc gia có nền kinh tế công nghiệp hóa phát triển nhất tại khu vực Châu Phi và cũng là quốc gia duy nhất của châu lục đang vận hành nhà máy điện hạt nhân gần thủ đô Cape Town.

Năm 2019,  Nam Phi đã xem xét bổ sung thêm năng lực hạt nhân trong thời gian dài, sau khi cựu tổng thống Jacob Zuma quyết định từ bỏ kế hoạch mở rộng năng lượng hạt nhân vào năm 2018.