Chờ...

New Zealand: Nhiệt độ nước biển cao kỷ lục, vượt xa mức trung bình toàn cầu

VOH - Các chuyên gia cho biết, những số liệu mới đây đã xóa bỏ quan niệm cho rằng New Zealand được bảo vệ khỏi nhiệt độ khắc nghiệt và làm dấy lên lo ngại về môi trường sống của các sinh vật biển.

Nhiệt độ nước biển ở New Zealand đã đạt mức cao kỷ lục, vượt xa mức trung bình toàn cầu gấp 3 lần và gây ra cảnh báo sức khỏe của hệ sinh thái và sinh vật biển của đất nước này.

nuoc-bien-100724
Nhiệt độ nước biển ở New Zealand đã đạt mức cao kỷ lục, vượt xa mức trung bình toàn cầu - Ảnh: Alamy

Dữ liệu mới từ Stats NZ cho thấy, kể từ năm 1982, nhiệt độ bề mặt đại dương đã tăng trung bình từ 0,16 – 0,26 độ C và từ 0,19 – 0,34 độ C ở vùng nước ven biển trong một thập kỷ.

Matt Pinkerton một nhà khoa học tại Viện Nước và Khí quyển Quốc gia cho biết, khi so sánh dữ liệu từ 20 năm trước, tốc độ nóng lên của bề mặt đại dương xung quanh New Zealand đã vượt xa mức trung bình toàn cầu 0,18 độ C. Riêng khu vực Chatham Rise ấm hơn 3 lần so với mức trung bình toàn cầu.

Theo ông Matt Pinkerton, New Zealand có thể đang phải hứng chịu nhiệt độ cao hơn do vị trí địa lý cũng như cách các dòng hải lưu toàn cầu di chuyển và mang theo nhiệt.

“New Zealand nằm kẹp giữa Thái Bình Dương, Biển Tasman và Nam Đại Dương – có rất nhiều sự nóng lên liên quan đến cả 3 khu vực đó, vì vậy chúng ta đang nhận được sức nóng từ mọi hướng” – ông phân tích.

Các đợt nắng nóng dữ dội trên biển trước đây có liên quan đến hiện tượng bọt biển trắng hàng loạt ở New Zealand, tình trạng tảo bẹ phía nam chết hàng loạt, cá mắc cạn quy mô lớn và chim cánh cụt chết.

Tiến sĩ Christopher Cornwall, giảng viên sinh học biển tại Đại học Victoria ở Wellington cho biết: “Các đợt nắng nóng dữ dội ở biển có thể gây ra sự thay đổi sinh thái quy mô lớn bằng cách giết chết các loài hình thành môi trường sống như tảo bẹ”.

Rất có khả năng cả sự nóng lên của đại dương và các đợt nắng nóng ở biển thường xuyên, dữ dội hơn và kéo dài hơn đều đang làm thay đổi vĩnh viễn các hệ sinh thái biển này ở Aotearoa.

Cả hai chuyên gia Cornwall và Pinkerton đều cho rằng, mức độ đại dương ấm hơn sẽ phá vỡ hệ sinh thái - vẫn chưa được hiểu rõ và cần phải theo dõi lâu dài để dự đoán và lên kế hoạch cho những thay đổi, đặc biệt là khi đánh giá hạn ngạch đánh bắt cá.