NASA phóng vệ tinh khảo sát nước trên bề mặt Trái Đất

(VOH) - Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng tên lửa Falcon 9 của SpaceX mang theo một vệ tinh lên vũ trụ với nhiệm vụ khảo sát nước trên bề mặt Trái Đất.

Khoảng 4h ngày 16/12 (tức 19h cùng ngày giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng tên lửa Falcon 9 để thực hiện sứ mệnh khảo sát đầu tiên về nước trên bề mặt Trái Đất nhằm làm sáng tỏ các cơ chế và hậu quả của biến đổi khí hậu.

Vụ phóng được thực hiện từ căn cứ Vandenberg của Lực lượng Không gian Mỹ, cách thành phố Los Angeles 273km về phía Tây Bắc.

 Falcon 9

Tàu vũ trụ Surface Water and Ocean Topography (SWOT) được phóng vào ngày 16/12, do NASA và cơ quan vũ trụ CNES của Pháp phát triển nhằm nghiên cứu sự thay đổi mực nước trong các đại dương và hồ. (Ảnh: spacenews)

Tầng trên của tên lửa Falcon 9 dự kiến sẽ đạt tới quỹ đạo được dự tính cách Trái Đất khoảng 850km trong vòng vài phút.

Vụ phóng sẽ đưa vệ tinh SWOT chạy bằng các pin năng lượng Mặt Trời do công ty Spectrolab - thuộc sở hữu của Boeing - chế tạo lên không gian.

Vệ tinh này sẽ thực hiện khảo sát toàn cầu đầu tiên về nước trên bề mặt Trái Đất, đi sâu quan sát các chi tiết nhỏ của địa hình bề mặt đại dương và đo lường sự thay đổi của các vùng nước theo thời gian.

Vệ tinh bao gồm một bộ 6 tấm pin năng lượng mặt trời, chứa 3.360 tế bào quang điện NeXt Triple Junction (XTJ) của Spectrolab.

Những tế bào tiên tiến này lấy năng lượng từ nhiều bước sóng, cho phép đạt hiệu suất cao hơn mà công nghệ pin mặt trời silicon thông dụng trên thị trường không thể đạt được.

Các công cụ của SWOT sẽ đo mực nước trong các hồ, sông, hồ chứa và đại dương trên hành tinh với độ nét cao.

Dữ liệu sẽ cung cấp thông tin về sự cân bằng trong việc sử dụng nước và các quyết định quản lý nguồn nước, cung cấp những hiểu biết mới về chu trình nước và năng lượng của Trái Đất, giúp ứng phó tốt hơn với tình trạng nước biển dâng và đường bờ biển thay đổi trong điều kiện khí hậu ấm lên.

Những thông tin thu thập được sẽ giúp cải thiện các mô hình hải dương, tăng cường dự báo thời tiết, khí hậu và hỗ trợ kiểm soát cung nước sạch ở những khu vực chịu hạn hán nặng nề.

Chương trình còn giúp khám phá cách thức đại dương hấp thụ nhiệt từ bầu khí quyển, cũng như khí CO2 và các khí nhà kính khác, quy trình giúp điều hòa nhiệt độ toàn cầu và hạn chế biến đổi khí hậu.