Tại cuộc họp báo vào ngày 25/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng nếu tài sản của nước này bị các nước tịch thu.
Bà Zakharova nói bất kỳ hành vi nào liên quan đến việc sử dụng tài sản của nhà nước và công dân Nga mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu sẽ bị coi là hành vi tấn công bất hợp pháp và mang tính thù địch, và Nga có quyền thực thi các biện pháp trả đũa thích đáng.
Bà nhấn mạnh, việc đóng băng tài khoản của Nga ở nước ngoài và các hành động tương tự là vi phạm luật pháp quốc tế cũng như các hoạt động công bằng của hệ thống tài chính toàn cầu. Hành động này là sự vi phạm trắng trợn đối với tài sản có chủ quyền, khiến các nước phải suy nghĩ lại về độ tin cậy của đồng đô la Mỹ và đồng euro với tư cách là tiền tệ dự trữ và phương tiện thanh toán quốc tế chủ yếu.
Theo thống kê ngày 25/5 của Liên minh châu Âu (EU), số tài sản mà Ngân hàng Trung ương Nga (BOR) bị các nước thành viên EU phong tỏa là khoảng 23 tỷ euro, trong khi tài sản của BOR bị đóng băng tại Mỹ lên tới 100 tỷ euro.
Trước đó, Nga từng thông báo tổng tài sản của BOR bị các nước phương Tây phong tỏa trên phạm vi toàn thế giới là 300 tỷ euro. Lãnh đạo EU từng tuyên bố họ có ý định tịch thu các tài sản bị đóng băng của BOR và dùng chúng vào các hoạt động tái thiết Ukraine sau khi chiến sự Nga-Ukraine kết thúc.
Ngày 25/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã kiến nghị đưa hành vi vi phạm hoặc né tránh các lệnh trừng phạt của EU vào danh sách các hành vi tội phạm trên phạm vi toàn khối EU, đồng thời đề xuất bộ quy tắc về thanh tra và thu giữ các tài sản liên quan.
Động thái này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tịch thu tài sản của các nhà tài phiệt Nga và Belarus ở châu Âu.
Theo thống kê của EU, đến nay tổng tài sản bị phong tỏa và tịch thu của các nhà tài phiệt Nga và Belarus lên tới 9,89 tỷ euro, ngoài ra số tài sản khác trị giá 196 tỷ euro bị cấm thực hiện chuyển khoản.