Dự thảo nghị quyết về xung đột Israel-Hamas do Mỹ đề xuất vào cuối tuần trước và được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) ngày 25/10.
Nội dung dự thảo kêu gọi các bên tạm ngừng giao tranh để bảo đảm nỗ lực cứu trợ, bảo vệ dân thường, chấm dứt cung cấp vũ khí cho Hamas và các nhóm vũ trang tại Dải Gaza. Văn kiện này không yêu cầu Israel và Hamas kết thúc hoàn toàn xung đột hiện nay.
Dự thảo này được điều chỉnh đáng kể so với phiên bản sơ bộ từng gây sốc trước đó của Mỹ, trong đó Mỹ khẳng định Israel có quyền tự vệ, yêu cầu Iran ngừng chuyển vũ khí cho các nhóm vũ trang ở Dải Gaza và không có nội dung kêu gọi ngừng bắn để chuyển hàng viện trợ đến khu vực.
Ở dự thảo nghị quyết sửa đổi lần này, 10 trong số 15 thành viên HĐBA bỏ phiếu ủng hộ; Brazil và Mozambique bỏ phiếu trắng. Ở chiều ngược lại, Nga, Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bỏ phiếu chống.
Theo quy định, để được thông qua thì dự thảo nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không bị nước nào trong 5 thành viên thường trực HĐBA là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga phủ quyết. Phiếu chống của Nga và Trung Quốc được coi được coi là phiếu phủ quyết, do đó dự thảo nghị quyết đã không được thông qua.
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield bày tỏ thất vọng sau cuộc bỏ phiếu. "Chúng tôi đã lắng nghe các vị. Cuộc bỏ phiếu hôm nay là bước thụt lùi, nhưng chúng tôi sẽ không nản lòng", bà phát biểu.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ xây dựng dự thảo nhằm tạo điều kiện cho Israel tiến hành chiến dịch trên bộ nhằm vào dải Gaza.
"Rõ ràng Mỹ không muốn quyết định của HĐBA tác động đến cuộc tiến công đang được Israel chuẩn bị. Văn kiện này chỉ có một mục đích, không phải để cứu dân thường mà là củng cố vị thế chính trị của Mỹ trong khu vực", ông Nebenzia nói.
Về phía Trung Quốc, Đại sứ nước này tại LHQ, ông Trương Quân, cho rằng dự thảo nghị quyết của Mỹ không phản ánh "những lời kêu gọi ngừng bắn mạnh mẽ nhất" của thế giới. "Vào thời điểm này, "ngừng bắn" không chỉ là thuật ngữ ngoại giao. Nó là điều quyết định sự sống chết của nhiều dân thường", ông Trương Quân khẳng định.