Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 6/12 cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ công mới của các quốc gia đang phát triển phải đối mặt.
Theo WB, nợ nước ngoài của các nền kinh tế đang phát triển đã tăng hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước, lên 9.000 tỷ USD vào năm 2021. Các nước này đang phải đối mặt với lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất cũng tăng.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại trong năm nay, nguy cơ gia tăng về suy thoái kinh tế thế giới vào năm 2023 trong bối cảnh thế giới đang trải qua một trong những giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia phải vay mượn nhiều hơn.
Chủ tịch WB David Malpass cảnh báo rằng thế giới đang đối mặt với làn sóng khủng hoảng nợ thứ năm.
Xem thêm: Đương kim Phó Tổng thống Argentina bị kết án tù vì tội tham nhũng
Theo ông David Malpass, cần có cách tiếp cận toàn diện để giảm nợ, tăng tính minh bạch và tạo điều kiện tái cơ cấu nhanh hơn, qua đó các quốc gia có thể tập trung vào chi tiêu hỗ trợ tăng trưởng và giảm nghèo.
Thế giới từng chứng kiến cuộc khủng hoảng nợ ở châu Á trong giai đoạn 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu (2009 - 2012) do sự gia tăng mức nợ công của nhóm các nước Bồ Đào Nha, Ireland, Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu là do chính sách tài khóa thiếu bền vững và sự mất cân đối trong việc vay nợ của các quốc gia.