Ngân hàng Thế giới cố gắng tránh khủng hoảng lương thực sau khi Ấn Độ dừng xuất khẩu lúa mì

(VOH) - Trên thị trường, giá lúa mì đang tăng mạnh trở lại sau lệnh cấm vận xuất khẩu của Ấn Độ. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẵn sàng chi 12 tỷ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực này.

Xung đột ở Ukraine đang đẩy thế giới tiến gần đến tình trạng khan hiếm ngũ cốc, khi nước  này chiếm đến 12-13% tổng lượng lúa mì xuất khẩu ra toàn cầu. Một viễn cảnh tồi tệ là sản lượng lúa mì của Ukraine sẽ bị cắt giảm chỉ còn 1/3 vào năm 2022, theo báo cáo hàng tháng mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

khung-hoang-luong-thuc
Ảnh minh họa. Nguồn: RFI

Sự sụt giảm sản lượng này là không thể bù đắp khi hạn hán nghiêm trọng đang hoành hành ở một số nước sản xuất lớn. Pháp, nước xuất khẩu lúa mì mềm cũng đã hạ dự báo sản lượng cho vụ thu hoạch tiếp theo của mình. Việc sản lượng lúa mì sụt giảm trên toàn cầu khiến nguồn dự trữ thế giới giảm theo và làm sống lại bóng ma nạn đói ở các nước nghèo.

Đây cũng là nguyên nhân khiến Ấn Độ vừa ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu. Pronab Sen, cựu chuyên gia thống kê của Ấn Độ và Giám đốc Quốc gia của Chương trình Ấn Độ thuộc Trung tâm Tăng trưởng Quốc tế cho biết “mùa hè đến sớm hơn nhiều so với dự kiến, khiến sản lượng lúa mì thu hoạch được vào mùa đông giảm đi ít hơn khoảng 10 triệu tấn so với năm ngoái”.

Patrice Burger, Chủ tịch Tổ chức Phi chính phủ Trung tâm về Hành động và Thành tựu Quốc tế (Cari), lo lắng về hậu quả của lệnh cấm từ Ấn Độ: "Phản ứng của Ấn Độ chắc chắn là phản ứng đầu tiên của một loạt các quốc gia nắm giữ hàng dự trữ hoặc có năng lực sản xuất và quyết định thực hiện các ưu tiên quốc gia. Phản ứng này khá dễ đoán.

Đây là lý do tại sao chúng ta đang đấu tranh cho việc sửa đổi hệ thống lương thực theo hướng chuyển đổi nông nghiệp sang hướng sản xuất địa phương nhiều hơn, điều này khiến các nước không còn phụ thuộc một cách có hệ thống vào vận tải quốc tế, đầu cơ quốc tế không được kiểm soát cũng như phụ thuộc vào quyết định từ chối hoặc không từ chối xuất khẩu của các quốc gia. Do đó, tất cả những điều này cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Ngay sau khi có khủng hoảng, người ta dự báo ​​rằng toàn bộ quốc gia sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, hiên nay điều này sắp xảy ra hiện nay ở các nước như Ai Cập, Iraq hoặc một số nước vùng Sahel. Thực tế, chúng ta còn có nguy cơ lâm vào cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Trước tình hình đang xảy ra ngày nay, nói một cách đơn giản, những điều được dự kiến nhất định sẽ xảy ra dù sớm hay muộn".

Năm ngoái, gần 200 triệu người ở 53 quốc gia trên thế giới đã rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực. Một con số có thể sẽ tăng đáng kể trong năm nay khi giá ngũ cốc và phân bón tăng.

Với rủi ro này, nhiều tổ chức như WB, IMF và các cơ quan phát triển quốc tế, đang định hướng lại các ưu tiên của mình sang vấn đề an ninh lương thực. Trong 15 tháng tới, WB muốn chi ra 12 tỷ USD để đối phó vấn đề này. Nguồn tiền này sẽ được ưu tiên và phần lớn dành cho các quốc gia Châu Phi, Trung Đông, Đông Âu, Trung và Nam Á, những quốc gia bị đe dọa nhiều nhất.

Còn về phía Cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức này sẽ giúp nông dân các nước liên quan trong vấn đề mua phân bón, hạt giống cũng như tăng diện tích canh tác để bù vào việc thiếu ngũ cốc từ Nga, Ukraine và Ấn Độ.

Ngoài ra, WB cũng đang khuyến khích các nước loại bỏ việc dự trữ không cần thiết và tăng cường thương mại lương thực toàn cầu.

Bình luận