Chờ...

Ngày 17/9: Thế giới ghi nhận trên 527.000 ca bệnh Covid-19, trên 8.800 ca tử vong

(VOH) - Theo trang worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 527.000 ca bệnh Covid-19 và trên 8.800 ca tử vong.

Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 227,7 triệu ca, trong đó trên 4,68 triệu ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 126.000 ca), Ấn Độ (34.649 ca) và Brazil (34.407 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.704 ca), Mexico (897 ca) và Nga (794 ca) - theo tổng hợp từ Bộ Y tế.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca mắc Covid-19 lần lượt là trên 42,6 triệu ca, 33,3 triệu ca và 21 triệu ca. 10 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới nằm rải rác trên khắp các châu lục.

Bệnh nhân Covid-19, CNN
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện ở Brazil (Ảnh: CNN)

WHO vừa đưa ra cảnh báo, các khu vực ở châu Phi có nguy cơ trở thành nơi sinh sôi các biến chủng kháng vắc xin Covid-19 do thiếu hụt vắc xin và tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Đến nay châu Phi đã vượt mốc 8 triệu ca nhiễm, trong khi đó Châu Phi mới chỉ có thể tiêm chủng cho 50 triệu người, tương đương 3,6% dân số..

Do tình trạng thiếu hụt vắc xin trên toàn cầu, liên minh COVAX sẽ chuyển khoảng 150 triệu liều vắc xin đến châu Phi, ít hơn so với kế hoạch. Văn phòng khu vực của WHO cho biết, châu Phi sẽ thiếu khoảng 470 triệu liều vắc xin trong năm nay, khiến chỉ 17% dân số được bảo vệ hoàn toàn, thấp hơn mục tiêu 40% do WHO đặt ra.

Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng để ngăn chặn biến chủng mới và sớm trở lại cuộc sống bình thường. Một số nước đặt ra quy định tiêm chủng bắt buộc đối với người lao động ở một số lĩnh vực, bao gồm nhân viên y tế.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran hôm 16/9 thông báo đình chỉ không lương khoảng 3.000 nhân viên y tế từ chối tiêm vắc xin. Hàng chục nhân viên y tế đã nghỉ việc thay vì tiêm vắc xin, nhưng Véran khẳng định với khoảng 2,7 triệu nhân viên y tế, việc chăm sóc sức khỏe ở Pháp vẫn được đảm bảo.

Hiện gần 47 triệu người Pháp từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 81,4% dân số. 86,1% dân số Pháp đã được tiêm ít nhất một mũi. Cơ quan y tế Pháp ước tính gần 12% nhân viên bệnh viện và khoảng 6% bác sĩ tư nhân chưa tiêm chủng.

Italy sẽ mở rộng "thẻ xanh" Covid-19 đối với tất cả người lao động nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng trước mùa cúm đông. Quy định phạt người lao động không tiêm chủng hoặc không có bằng chứng xét nghiệm âm tính với Covid-19 gần nhất sẽ có hiệu lực từ 15/10.

Thẻ xanh là chứng nhận cho thấy ai đó đã được tiêm vắc xin Covid-19, xét nghiệm âm tính 48 giờ trước đó hoặc khỏi Covid-19 gần đây. Hiện hơn 40 triệu người Italy đã tiêm phòng đầy đủ, tương đương 75% dân số trên 12 tuổi. Chính phủ hy vọng con số đó sẽ tăng thêm 4 triệu trong năm nay.

Tại Mỹ, Idaho, bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất cả nước, thông báo sẽ phân bổ chăm sóc y tế và chuyển máy thở khỏi bệnh nhân không có khả năng hồi phục. Cơ quan y tế bang cho biết họ ban hành biện pháp này vì ca Covid-19 nhập viện tăng nhanh, làm "cạn kiệt" các nguồn lực hiện có.

Theo hướng dẫn mới, những bệnh nhân nhập viện có thể không có giường hoặc được điều trị trong những nơi được cải tạo thành khu điều trị. Hơn nữa, "một người khỏe mạnh và phục hồi nhanh hơn có thể được điều trị hoặc sử dụng máy thở trước người không có khả năng hồi phục".

Chỉ 46% trong dân số gần 1,8 triệu người của Idaho đã được tiêm vắc xin Covid-19, thấp nhất trong 53 bang và vùng lãnh thổ của Mỹ. Đứng đầu là Puerto Rico với 77%. Trên cả nước, 63% dân số Mỹ đã được tiêm một hoặc hai mũi vắc xin.

Gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở trẻ em

Số ca nhiễm Covid-19 ở trẻ em đang gia tăng trên toàn cầu vì biến chủng Delta, thúc đẩy một số nước mở rộng tiêm chủng để ngăn hệ lụy.

Học viện Nhi khoa Mỹ cho biết tính đến đầu tháng 9, nước này ghi nhận gần 5,3 triệu trẻ em và thanh thiếu niên dương tính với Covid-19 kể từ đầu đại dịch, chiếm 15,5% tổng số ca nhiễm.

Tuy nhiên, sau xu hướng giảm hồi đầu mùa hè, số ca nhiễm ở trẻ em Mỹ đã tăng theo cấp số nhân và chiếm tới 28,9% tổng số ca nhiễm từ ngày 3/9 đến 9/9, tương đương 243.000 trường hợp. Hệ quả là ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên nhập viện vì Covid-19, dù số ca nghiêm trọng vẫn tương đối hiếm.

Tại Trung Quốc, ổ dịch mới ở tỉnh Phúc Kiến cũng được phát hiện hôm 9/9, sau khi hai học sinh có kết quả dương tính trong đợt xét nghiệm Covid-19 định kỳ tại một trường tiểu học ở quận Tiên Du, thành phố Phủ Điền. Một học sinh khác và ba phụ huynh có kết quả dương tính vào hôm sau.

Chỉ trong một ngày, từ 11/9 đến 12/9, số ca nhiễm Covid-19 tại tỉnh Phúc Kiến đã tăng gấp ba, lan sang các thành phố khác ngoài Phủ Điền. Kết quả xét nghiệm sơ bộ trên các mẫu từ một số ca nhiễm tại Phủ Điền cho thấy họ đã nhiễm biến chủng Delta.

Xem thêm: Dịch Covid-19: Biến thể Mu nguy hiểm như thế nào so với biến thể Delta?

Không có bằng chứng cho thấy biến chủng Delta đang nhắm đến trẻ em nhiều hơn các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 trong dân số trưởng thành cao hơn, hầu hết quốc gia cũng chưa phê duyệt tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi, được cho là lý do ngày càng nhiều trẻ em nhiễm Covid-19.

Mặc dù vậy, Covid-19 vẫn là bệnh nhẹ ở đại đa số trẻ em. Không có bằng chứng cho thấy biến chủng Delta đang làm thay đổi đặc điểm này. Trường hợp trở nặng sau khi nhiễm Covid-19 ở trẻ em vẫn khá hiếm, số ca nhập viện và tử vong càng ít hơn.