Ngày 26/5: Thế giới có thêm 520.000 ca nhiễm mới và hơn 12.000 người tử vong trong 24 giờ

(VOH) - Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 520.000 ca nhiễm mới và hơn 12.000 người tử vong vì Covid-19 - theo Worldometers.

Đến thời điểm này, đại dịch Covid-19 đã lây bệnh cho hơn 168,5 triệu người trên toàn thế giới và cướp đi sinh mạng của gần 3,5 triệu người.

Mặc dù là vùng dịch lớn nhất thế giới, nhưng số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã giảm trong vài tuần trở lại đây. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là trên 33,9 triệu, tăng thêm hơn 22.700 trường hợp, trong khi số người tử vong là hơn 605.000, tăng trên 650 ca trong 24 giờ qua.

Mỹ hiện dẫn đầu toàn cầu về tiêm chủng, với hơn 50% trong tổng số 332 triệu dân đã tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19 của Moderna hay Pfizer-BioNTech, hoặc một liều cần thiết duy nhất của Johnson & Johnson. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng đang bị chậm lại do đối mặt với một bộ phận dân số ngần ngại tiêm vắc xin.

vắc xin, tiêm vắc xin covid-19
Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu 70% dân số trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vắc xin tính đến ngày Quốc khánh 4/7.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 27.156.382 ca nhiễm và 311.421 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 208.886 và 4.172 ca.

Tổng số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 6 tuần qua nhưng số người tử vong vẫn rất cao.

Các chuyên gia cảnh báo nước này có thể phải đối mặt đợt bùng phát thứ ba trong những tháng tới khi khi nông dân Ấn Độ tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại thủ đô New Delhi nhằm phản đối các đạo luật nông nghiệp của Chính phủ. Nông dân cho rằng, các đạo luật này ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ.

Xem thêm: Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vắc-xin Covid-19, nhiều quốc gia và tố chức thế giới bị ảnh hưởng

Giới chức Ấn Độ lo ngại, cuộc biểu tình sẽ trở thành sự kiện "siêu lây nhiễm" dẫn đến sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19, giống như lễ hội Kumbh Mela hay các cuộc vận động bầu cử hồi tháng 4.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vắc xin là một lo ngại lớn. Công tác triển khai vắc xin chậm, nhiều người bỏ lỡ các mũi tiêm, hệ thống y tế quá tải và bệnh nhiễm trùng "nấm đen" hiếm gặp khiến cuộc chiến chống Covid-19 của Ấn Độ được cho là vẫn đầy cam go.

ấn độ
Biển người Ấn Độ kéo về New Delhi biểu tình bất chấp đại dịch. (Ảnh: Reuters)

Với hơn 73.000 người nhiễm mới và trên 2.000 người tử vong, Brazil đến nay đã có khoảng 16,2 triệu bệnh nhân và 452.000 nạn nhân xấu số của đại dịch. Tình hình tại nước này dường như đã ổn định hơn, với trung bình 1.854 người chết vì Covid-19 mỗi ngày trong tuần qua, giảm mạnh so với con số hơn 3.000 hồi giữa tháng 4.

Tuy nhiên, số ca nhiễm vẫn tăng đều kể từ đầu tháng 5, lên mức trung bình 66.000 ca mỗi ngày trong tuần qua, khiến các nhà dịch tễ học lo ngại số người chết cũng chuẩn bị tăng trở lại. Với 215 trường hợp tử vong vì Covid-19 trên 100.000 dân, Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Mỹ và là vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo tổng cộng 5.609.050 ca nhiễm và 108.879 trường hợp tử vong, tăng lần lượt 3.155 và 203 trong 24 giờ qua. Số người đang điều trị trong các phòng chăm sóc tích cực là 3.447, giảm mạnh so với con số hơn 6.000 hồi cuối tháng 4.

Lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba của Pháp đang dần được nới lỏng và không có dấu hiệu cho thấy virus tái bùng phát. Từ hôm 22/5 đến 24/5, số trường hợp tử vong mới mỗi ngày giảm xuống dưới 100 ca, trong khi con số trung bình trong 7 ngày là 120, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10/2020.

Tại Đông Nam Á, ngày 25/5, ghi nhận thêm gần 7.300 ca mắc Covid-19, cao nhất từ đầu dịch đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày tại quốc gia Đông Nam Á vượt mốc 7.000, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên lần lượt 525.889 và 2.369 ca.

Trước đó, Malaysia đã trải qua 6 ngày liên tiếp có số người nhiễm Covid-19 tính theo ngày ở mức hơn 6.000. Bộ Y tế nước này cảnh báo, nếu người dân không tuân thủ nghiêm các hạn chế, Malaysia có thể đối mặt với số ca nhiễm theo ngày lên đến 8.000 người trong tháng 6 tới.

Malaysia báo cáo ít ca nhiễm hơn so với Indonesia và Philippines, nhưng tỷ lệ lây nhiễm lại cao nhất Đông Nam Á, với hơn 16.000 ca/một triệu người.

Kể từ ngày 25/5, các cửa hàng từ tiện lợi cho tới tiệm giặt là và trung tâm mua sắm tại nước này sẽ bị giới hạn thời gian được phép hoạt động từ 8h tới 20h mỗi ngày, thay vì đóng cửa lúc 22h như trước. Các trạm xăng dầu cũng chỉ hoạt động trong khoảng thời gian này, trừ những trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.

Các quy định được đưa ra trong bối cảnh giới chức Malaysia hứng chỉ trích dữ dội vì không áp dụng những biện pháp hạn chế cứng rắn hơn, hoặc mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm hơn. Hệ thống y tế nước này đang chịu áp lực lớn vì số ca nhiễm mới tăng mạnh.

Thái Lan báo cáo tổng cộng 135.439 ca nhiễm và 832 ca tử vong vì Covid-19, sau khi ghi nhận 3.226 người nhiễm và 26 người chết trong 24 giờ qua.

Giới chức Thái Lan hôm 23/5 thông báo sẽ siết kiểm soát biên giới sau khi phát hiện các ca nhiễm mang biến chủng B.1.351, lần đầu được ghi nhận ở Nam Phi, được cho là vì những trường hợp vượt biên trái phép. Nước này đang đương đầu với đợt bùng phát Covid-19 mới từ các cụm dịch trong nhà tù.

Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm, với chiến dịch dự kiến bắt đầu vào ngày 7/6 và chủ yếu sử dụng vắc xin của AstraZeneca. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của YouGov, tổ chức phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường trụ sở ở Anh, cho thấy 66% người Thái Lan được hỏi tin vào loại vắc xin này, kém hơn nhiều so với 75% tin tưởng vào vắc xin Pfizer của Mỹ.