Chờ...

Ngoại trưởng Mỹ Blinken biện hộ cho kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan của chính quyền Biden

(VOH) - Ông Blinken là quan chức đầu tiên trong chính quyền Biden ra điều trần công khai trước Quốc hội Mỹ về việc rút quân khỏi Afghanistan.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 13/9 đã ra điều trần tại Hạ viện để trả lời chất vấn của các nhà lập pháp về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và biện minh cho kế hoạch rút quân của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Ông Blinken là quan chức đầu tiên trong chính quyền Biden ra điều trần công khai trước Quốc hội Mỹ về việc rút quân khỏi Afghanistan.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken biện hộ cho kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan của chính quyền Biden 1
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại cuộc điều trần trực tuyến về việc rút quân khỏi Afghanistan do Ủy ban Đối ngoại Hạ viện tổ chức vào ngày 13/9/2021. (Ảnh: Getty Images)

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã tổ chức cuộc điều trần trực tuyến vào ngày 13/9 để yêu cầu nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ giải thích về vấn đề liên quan đến việc rút quân.

Do Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan và thủ đô Kabul với tốc độ nhanh ngoài dự kiến vào trước ngày 31/8, tức thời hạn chót mà Tổng thống Biden đã ấn định cho việc rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan, điều này đã khiến hoạt động sơ tán của Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn và chính quyền Biden vì thế đã bị chỉ trích gay gắt từ các nghị sĩ, đặc biệt là các nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Tại cuộc điều trần vào ngày 13/9, Ngoại trưởng Blinken nói việc Mỹ trì hoãn rút quân khỏi Afghanistan không ảnh hưởng nhiều đến kết quả của sự việc.

Trong phần trình bày mở đầu tại cuộc điều trần, ông Blinken nói không có bằng chứng nào cho thấy việc ở lại lâu hơn sẽ khiến lực lượng an ninh Afghanistan hoặc chính phủ Afghanistan trở nên kiên cường hơn hoặc có khả năng tự vệ tốt hơn.

Ông Blinken đã lặp lại quan điểm mà Tổng thống Biden từng công khai và lặp đi lặp lại nhiều lần trước đó, đồng thời đặt câu hỏi cho các nhà lập pháp rằng nếu thời gian 20 năm với khoản viện trợ lên đến hàng trăm tỉ đô la cùng với sự hỗ trợ về thiết bị và huấn luyện vẫn chưa đủ thì lẽ nào 1 năm, 5 năm hoặc 10 năm nữa sẽ có kết quả khác nhau?

Về thỏa thuận rút quân mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và Taliban đạt được trước đó, ông Blinken cho rằng ngoài thời hạn chót rút quân được ấn định vào tháng 5/2021, những gì mà chính quyền Donald Trump để lại cho chính phủ kế nhiệm là rất ít.

"Chúng tôi đã kế thừa về thời hạn chót (rút quân), chúng tôi không kế thừa về kế hoạch (rút quân)", ông Blinken nói với các nhà lập pháp.

Trong bài phát biểu được chuẩn bị trước của mình, ông Blinken còn nói với các nhà lập pháp rằng chính quyền Biden đã lên kế hoạch và thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp, đồng thời hợp tác với các đồng minh để thực hiện chiến dịch sơ tán công dân bằng đường hàng không lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ông nói, đây là một "nỗ lực phi thường" giúp "gần như tất cả" các công dân Mỹ và những người Afghanistan muốn rời khỏi nước này đều được rời đi.

Ông Blinken cũng nói rằng, do các biện pháp khẩn cấp của chính quyền Biden có phạm vi khá rộng nên Mỹ đã có thể sơ tán nhân viên Đại sứ quán và các nhân viên khác còn lại đến sân bay trong vòng 48 giờ. Quân đội Mỹ đã đảm bảo an toàn cho sân bay và bắt đầu chiến dịch sơ tán trong vòng 72 giờ.

Ông cũng chỉ ra rằng không ai lường trước được sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan lại diễn ra nhanh chóng đến như vậy.

Sau khi kết thúc cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ông Blinken sẽ tiếp tục điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện vào ngày 14/9.