Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, kế hoạch này "phù hợp" với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và sẽ có "tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường". Nhưng ngư dân địa phương bày tỏ lo ngại về khả năng thiệt hại về uy tín đối với sản phẩm của họ.
Các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đã chỉ trích Nhật Bản về kế hoạch xả nước thải trên.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura đã thông báo thông tin cho Liên đoàn Hợp tác xã Nghề cá Tỉnh Fukushima trong cuộc họp đánh giá toàn diện của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế được công bố vào tuần trước.
Ông Nishimura nói với các ngư dân rằng, việc xả nước đã qua xử lý là một bước cần thiết để hoàn thành việc ngừng hoạt động các lò phản ứng bị hư hỏng tại nhà máy điện Fukushima Daiichi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi của Fukushima sau thảm họa năm 2011.
Nước thải đã được giữ trong hơn 1.000 bể chứa sau khi đi qua hệ thống xử lý tiên tiến giúp loại bỏ hầu hết các hạt nhân phóng xạ trừ tritium, nhưng các bể chứa này đã sắp hết công suất.
Ông Tetsu Nozaki, người đứng đầu liên đoàn, nói với ông Nishimura trong cuộc họp: “Về cơ bản, chúng tôi có lập trường phản đối việc xả nước đã qua xử lý ra biển”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong ngư dân rằng, họ sẽ chấp nhận xả thải nếu việc đó không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, theo một nguồn tin tham dự cuộc họp.
Trung Quốc cho biết sẽ nới rộng các hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản nếu kế hoạch xả thải được tiến hành. Các quốc gia khác, bao gồm Hàn Quốc và New Zealand, tỏ ra tin tưởng vào đánh giá của IAEA.
Chính phủ Hàn Quốc, sau các quan sát tại chỗ của một phái đoàn chuyên gia tại nhà máy Fukushima Daiichi vào tháng 5, đã khẳng định rằng nước được xử lý từ Fukushima phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế dựa trên phân tích của chính họ.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp đối lập của đất nước vẫn phản đối việc xả nước.
Nước đã qua xử lý với một lượng nhỏ triti sẽ được pha loãng đến 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản trước khi được thải ra ngoài qua một đường hầm dưới nước cách nhà máy điện 1 km.
Tritium được biết là ít gây hại cho cơ thể con người hơn các chất phóng xạ khác, chẳng hạn như cesium và stronti, vì nó phát ra bức xạ rất yếu và các chuyên gia tin rằng nó không tích tụ hoặc tập trung bên trong cơ thể.
Theo IAEA, các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới thường thải nước đã qua xử lý có chứa triti và các hạt nhân phóng xạ khác vào môi trường ở mức độ thấp như một hoạt động bình thường.