Những lời bình luận của Trung tướng Aviv Kohavi được đưa ra trong bối cảnh Israel và Iran đều tìm cách gây áp lực lên Tổng thống Joe Biden trước tuyên bố dự kiến của ông về cách tiếp cận để đối phó với chương trình hạt nhân Iran. Tại Iran, các nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ không chờ đợi hành động từ phía Biden vô thời hạn.
Hiệp ước hạt nhân 2015 nhằm mục đích cắt giảm chương trình hạt nhân Iran để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt. Israel phản đối mạnh mẽ hiệp ước này, nói rằng nó không bao gồm đủ các tiêu chí bảo vệ nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Israel hoan nghênh quyết định rút khỏi thỏa thuận này của Trump vào năm 2018.
Tân Tổng thống Mỹ Biden cho biết ông sẽ tìm cách khôi phục lại thỏa thuận, cùng với một số thay đổi.
Trong bài phát biểu dành cho Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, tướng Kohavi cho biết việc tái gia nhập hiệp ước, dù cho với một số cải tiến, "là không tốt về mặt hoạt động và tồi về mặt chiến lược." Ông cho biết việc cho phép Iran tiến hành chương trình hạt nhân sẽ là "một mối đe dọa không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn khu vực." Iran nói rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình.
Kohavi cho biết đối với mối đe dọa đặt ra từ Iran, quân đội Israel sẽ tăng cường chuẩn bị cho một cuộc tấn công nếu cần thiết.
“Tôi đã ra chỉ thị cho quân đội chuẩn bị một số kế hoạch hành động bổ sung cho những kế hoạch có sẵn,” ông nói. “Chúng tôi quản lý các kế hoạch này và sẽ phát triển chúng trong năm tới. Dĩ nhiên các chính trị gia lãnh đạo là những người quyết định việc thực thi chúng. Nhưng các kế hoạch cần được soạn sẵn.”
Chỉ vài giờ trước phát biểu của Kohavi về thỏa thuận, Iran đã thúc giục Biden tham gia lại thỏa thuận hạt nhân. Phát ngôn viên Nội các Iran Ali Rabiei cho biết: “Cơ hội sẽ không mở ra lâu”.
Các quan chức Israel, bao gồm cả Kohavi, nói rằng Iran đang ở vị thế yếu hơn nhiều so với năm 2015 sau nhiều năm chịu trừng phạt của chính quyền Trump. Họ nói rằng bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng nên loại bỏ các điều khoản xóa dần các giới hạn nhất định đối với các hoạt động hạt nhân của Iran, giải quyết chương trình tên lửa tầm xa của Iran và sự can dự quân sự cũng như hỗ trợ kẻ thù của Israel trong khu vực.
Căng thẳng xung quanh Iran đã tăng lên đều đặn. Trong những ngày cuối cùng của Trump với vai trò tổng thống, Tehran đã bắt giữ một tàu chở dầu Hàn Quốc và bắt đầu làm giàu uranium đến gần với ngưỡng vũ khí hạt nhân, trong khi đó Mỹ đã điều động máy bay ném bom B-52, tàu sân bay USS Nimitz và một tàu ngầm hạt nhân đến khu vực Trung Đông.
Iran cũng đã gia tăng các cuộc tập trận quân sự, bao gồm một hoạt động diễn tập phóng tên lửa hành trình trong một cuộc tập trận trên Vịnh Oman hồi tháng 1 này.
Iran nắm giữ loại tên lửa có khả năng bay xa 2.000 km, đủ xa để tiếp cận Israel và các căn cứ quân sự của Mỹ tại đây.