Nhật Bản chi 20,7 tỷ yên để “cứu” ngành thủy sản

VOH - Nhật Bản sẽ phân bổ 20,7 tỷ yên cứu trợ bổ sung cho ngành thủy sản sau lệnh cấm nhập khẩu hải sản toàn diện của Trung Quốc.

Theo Kyodo, ngày 4/9, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản sẽ phân bổ 20,7 tỷ yên (tương đương 141,4 triệu USD) như một gói cứu trợ bổ sung cho ngành thủy sản trong bối cảnh Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản toàn diện - sau khi Nhật xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Các biện pháp hỗ trợ bao gồm các bước để tăng tiêu dùng trong nước, đảm bảo sản xuất thủy sản bền vững, giảm thiểu thiệt hại về mặt danh tiếng và đảm bảo phát triển các chiến lược tìm kiếm thị trường nước ngoài mới, cũng như đảm bảo có đủ sự đền bù nhanh chóng và kỹ lưỡng.

ngành thủy sản nhật bản
Cá được dỡ xuống cảng ở Soma thuộc tỉnh Fukushima, đông bắc Nhật Bản, vào ngày 1/9/2023 - Ảnh: Kyodo

Nhật Bản bắt đầu xả nước bị ô nhiễm đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương hôm 24/8 và khẳng định hoạt động này là an toàn. Tuy nhiên, điều này lại gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc.

Bắc Kinh gọi việc xả nước là một "hành động cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm". Hành động này sẽ "đẩy rủi ro lên toàn thế giới (và) truyền lại nỗi đau cho các thế hệ tương lai".

Ngày 24/8/2023, Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản, bao gồm cả thủy sản ăn được. Quyết định này được đưa ra nhằm "ngăn chặn toàn diện các rủi ro về an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ do xả nước thải hạt nhân từ Fukushima ra biển".

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Nhật Bản, tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc). Trong năm 2022, hơn 700 công ty Nhật Bản xuất khẩu lượng thủy sản trị giá khoảng 600 triệu USD sang Trung Quốc.

Một số quan chức Nhật Bản ra tín hiệu về các hành động ngoại giao nhằm thúc giục Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm bao gồm cả việc nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tokyo cho rằng lệnh cấm của Bắc Kinh không dựa trên bằng chứng khoa học.

Bình luận