Nhật Bản hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc

(VOH) - Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu các biện pháp hạn chế xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip và vật liệu bán dẫn sang Trung Quốc ngay trong đầu năm nay.

Trước đó, hãng tin Bloomberg đưa tin Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản về hạn chế xuất khẩu một số máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc trong các cuộc đàm phán kết thúc vào 27/1.

Thỏa thuận trên sẽ mở rộng một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số loại chip mà Mỹ đã thông qua vào tháng 10/2022 cho các công ty có trụ sở tại hai quốc gia đồng minh này, bao gồm công ty ASML Holding NV, Nikon Corp và Tokyo Electron Ltd.

Đây là các động thái nhằm ngăn chặn khả năng Trung Quốc tiếp cận các công nghệ về vật liệu bán dẫn mà Mỹ sở hữu, kìm hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực then chốt này.

Được mệnh danh là “xương sống” của kỷ nguyên công nghệ, chip bán dẫn là thành phần cốt lõi trong sản xuất xe ô tô, máy bay, điện thoại, CPU máy tính, tivi, tủ lạnh và gần như tất cả các thiết bị điện tử khác mà bạn có thể nghĩ ra. Mọi cường quốc đều muốn làm chủ công nghệ này.

Nhật Bản hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc
Chip bán dẫn là thành phần cốt lõi trong hầu hết các sản phẩm công nghệ. Ảnh: ET Telecom

Tháng 12/2022, Trung Quốc lên kế hoạch chi hơn 143 tỷ USD để thúc đẩy chip trong nước, cạnh tranh với Mỹ. Với việc tung ra gói ưu đãi khổng lồ này, Trung Quốc muốn tăng cường hỗ trợ các công ty chip nước này xây dựng, mở rộng hoặc hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, lắp ráp, cũng như nghiên cứu và phát triển trong nước.

Từ lâu, Trung Quốc có tham vọng phát triển mạnh công nghệ bán dẫn, thực thi chính sách ưu tiên để hướng đến ngành công nghiệp chip độc lập. Điều này trở nên cần thiết hơn bao giờ hêt khi Mỹ áp đặt biện pháp thắt chặt việc xuất khẩu chip sang Trung Quốc.