Phản bác thông báo ngày 31/8 của Trung Quốc gửi WTO về các biện pháp ngưng nhập khẩu hải sản của Nhật Bản, Tokyo cho biết họ sẽ giải thích lập trường của mình với các ủy ban liên quan của WTO và kêu gọi Trung Quốc bỏ ngay lệnh cấm này.
Một số quan chức Nhật Bản để ngỏ khả năng sẽ đệ đơn khiếu nại lên WTO về lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Trung Quốc.
Trong tuyên bố ngày 4/9, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, nước này đã yêu cầu Trung Quốc tổ chức các cuộc thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu liên quan đến việc xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, trên cơ sở các điều khoản của Hiệp định thương mại Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Nhật Bản hy vọng Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc thảo luận ngay khi có thể và xem xét các biện pháp phù hợp với nghĩa vụ trong Hiệp định RCEP.
Cũng trong ngày 4/9, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản sẽ phân bổ 20,7 tỷ yên (tương đương 141,4 triệu USD) như một gói cứu trợ bổ sung cho ngành thủy sản trong bối cảnh Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản toàn diện - sau khi Nhật xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Các biện pháp hỗ trợ bao gồm các bước để tăng tiêu dùng trong nước, đảm bảo sản xuất thủy sản bền vững, giảm thiểu thiệt hại về mặt danh tiếng và đảm bảo phát triển các chiến lược tìm kiếm thị trường nước ngoài mới, cũng như đảm bảo có đủ sự đền bù nhanh chóng và kỹ lưỡng.
Nhật Bản bắt đầu xả ra biển hơn 1 triệu tấn nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào ngày 24/8.
12 năm sau trận sóng thần quét qua nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, hơn 1,3 triệu tấn nước nhiễm xạ từ quá trình làm mát các lò phản ứng bị nóng quá mức tại nhà máy này đã được tích lũy.
Do đã đạt đến 96% sức chứa nên Nhật Bản cần xả nước thải đã loại bỏ 62 nhân tố phóng xạ (chỉ còn một đồng vị phóng xạ là tritium và các dấu vết phóng xạ khác) ra đại dương.
Nước này cam kết quy trình xả thải đảm bảo an toàn. Lượng nước nhiễm xạ nhẹ này sẽ được pha loãng về mức an toàn hơn so với tiêu chuẩn quốc tế và được thải dần ra đại dương trong 30-40 năm do nước thải mới vẫn được tạo ra mỗi ngày.