Nhật Bản là quốc gia tiếp theo nhắm tới Mặt trăng

VOH - Sau Nga và Ấn Độ, Nhật Bản là nước tiếp theo sẽ phóng tàu vũ trụ lên Mặt trăng.

Tên lửa H2-A của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) sẽ cất cánh vào sáng 27/8 từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, mang theo một vệ tinh chụp ảnh tiên tiến và một tàu đổ bộ hạng nhẹ. Nó dự kiến đáp xuống Mặt trăng vào tháng 1 hoặc tháng 2/2024.

H2-A - tên lửa đáng tin cậy nhất của cơ quan này với chỉ một lần thất bại trong số 42 lần phóng kể từ năm 2001 - sẽ mang theo tàu đổ bộ nhỏ thăm dò Mặt trăng, hay còn gọi là SLIM.

Với chiều cao chưa đến 3m, tàu đổ bộ này có thể mở đường lên Mặt trăng cho các tàu thăm dò khác với độ chính xác điều hướng cao.

Tên lửa H2-A cũng sẽ mang theo Sứ mệnh Quang phổ và Hình ảnh Tia X (XRISM), một vệ tinh giúp các nhà khoa học quan sát plasma trong các ngôi sao và thiên hà.

Nhật Bản là quốc gia tiếp theo nhắm tới Mặt trăng 1
Ảnh minh họa: AFP

Nếu thành công, JAXA sẽ có nguồn động lực để xây dựng lại danh tiếng sau hàng loạt thất bại gần đây.

Những thất bại này cũng tạo áp lực cho JAXA cho lần phóng này.

JAXA bắt đầu gặp “vận xui” từ tháng 10/2022, khi lần phóng tên lửa Epsilon thứ sáu gặp sự cố lúc đang bay. Tên lửa này mang theo hai vệ tinh trong các hợp đồng thương mại đầu tiên của JAXA.

Đây là thất bại lớn đầu tiên của tên lửa Nhật Bản kể từ năm 2003. Kết quả điều tra cho thấy một bộ phận của tên lửa bị lỗi nên không thể đứng thẳng để tiếp cận quỹ đạo.

Một tháng sau, JAXA tiết lộ một nhóm nghiên cứu đã làm sai lệch lượng lớn dữ liệu được thu thập trong thí nghiệm mô phỏng sự sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Tháng 2/2023, cơ quan này lại hủy bỏ lễ phóng đầu tiên của H3, sản phẩm thế hệ mới của tên lửa H2-A, sau khi gặp phải trục trặc hệ thống giữa động cơ chính và bộ đẩy bên.

H3, sản phẩm của tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries, đã trải qua khoảng thời gian gần 10 năm phát triển.

H3 là dòng tên lửa sử dụng một lần nhằm cung cấp giải pháp thay thế rẻ hơn, đáng tin cậy hơn cho các đối thủ cạnh tranh như Falcon 9 có thể tái sử dụng của SpaceX (Mỹ).

Lần phóng thứ 2 của H3 vẫn gặp thất bại do động cơ giai đoạn hai của tên lửa không bốc cháy được.

Các nhà điều hành đã gửi một mã tự hủy khi nó bay lên không trung, khiến tàu và vệ tinh mà nó mang theo lao thẳng xuống Biển Philippines.

Sau đó vào tháng 7, động cơ của Epsilon S (phiên bản thứ bảy của tên lửa) đã phát nổ trong cuộc thử nghiệm trên mặt đất, gây ra đám cháy thiêu rụi một cơ sở ở tỉnh Akita.

Mặc dù không có thương tích nào, nhưng vụ việc là một bước thụt lùi không chỉ đối với dòng Epsilon mà còn đối với H3, vì cả hai tên lửa đều sử dụng cùng một bộ đẩy tên lửa rắn mới.

Bình luận