Chờ...

Nhật Bản sẽ tiếp tục xả nước thải phóng xạ ra biển vào tuần sau

VOH - Nhật Bản thông báo bắt đầu đợt xả nước thải phóng xạ thứ hai từ nhà máy Fukushima ra biển vào tuần sau, đồng thời cam kết cẩn trọng tối đa khi thực hiện.

Ngày 28/9, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi cho biết, đợt xả thải thứ hai sẽ bắt đầu vào ngày 5/10. Trong đợt xả thứ hai, công ty sẽ đưa khoảng 7.800 tấn nước thải phóng xạ ra biển trong vòng 17 ngày.

TEPCO đã đánh giá cơ sở vật chất cùng kết quả kiểm tra sau đợt xả thải đầu tiên và không phát hiện vấn đề hay lý do nào để thay đổi kế hoạch.

Các quan chức TEPCO cam kết sẽ thực hiện kế hoạch xả thải với sự cẩn trọng tối đa.

nhà máy điện hạt nhân
Các bể chứa nước bị ô nhiễm tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi - Ảnh: AFP

TEPCO xả thải đợt đầu tiên từ ngày 24/8 đến 11/9, bơm 7.788 tấn nước thải phóng xạ từ 10 bể chứa ra biển. Công ty lấy mẫu nước biển tại 10 vị trí trong bán kính 3km từ nhà máy để kiểm tra hàng ngày. Kết quả cho thấy nồng độ tritium cao nhất là 10 bq/l (becquerel/lít), thấp hơn nhiều so với mốc 700 bq/l mà công ty đề ra để dừng xả thải.

Mức giới hạn của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) là 1.500 bq/l, trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là không vượt quá 10.000 bq/l đối với nước uống.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn vấp phải sự phản đối từ các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc. 

Sau khi Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản và áp lệnh cấm nhập khẩu với toàn bộ hải sản từ nước này, Nhật Bản bác bỏ chỉ trích của Trung Quốc rằng nước thải từ nhà máy Fukushima gây thiệt hại khó lường.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 1/9 nói rằng, tuyên bố về mức độ an toàn của nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima được đăng trên website của đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo chứa nội dung "không dựa trên sự thật hay cơ sở khoa học", đi ngược lại quan điểm của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Bộ này cho hay: "Phủ nhận uy tín và thẩm quyền của IAEA là phủ nhận chính tiêu chuẩn an toàn của Trung Quốc, vốn dựa trên tiêu chí của IAEA".

Theo Bộ Ngoại giao Nhật, tác động của việc xả nước thải Fukushima đối với con người và môi trường là không đáng kể và IAEA đã nêu rõ điều đó trong báo cáo toàn diện công bố vào tháng 7.

Ngoài ra, việc giám sát nước thải của chính phủ Nhật Bản và TEPCO tuân thủ tiêu chuẩn của IAEA và có sự tham gia của một số tổ chức nghiên cứu, phân tích từ nước thứ ba được IAEA lựa chọn.

Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng.

TEPCO đã phải bơm khoảng 1,34 triệu tấn nước biển để làm mát lõi lò phản ứng bị tan chảy, sau đó trữ trong 1.000 bể thép được xây tại khuôn viên nhà máy.

Năm 2021, Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải đã qua xử lý ra biển do đã hết không gian lưu trữ. Tokyo cho biết, nước thải phóng xạ sẽ qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro.

Dù tritium độc hại, nó vẫn tồn tại trong tự nhiên và các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do được pha loãng với nước biển.